Chúng tôi, những người công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam vinh dự được trực tiếp tiếp cận nhân chứng và lập hồ sơ di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Từ khi lập hồ sơ khoanh vùng di tích đến khi khánh thành bia di tích là cả một hành trình dài, đòi hỏi nhiều nỗ lực và tâm huyết.
Từ ý tưởng của nhà báo Phan Hữu Minh
Tôi về công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2017. Nhớ lần đầu gặp nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, anh vỗ vai tôi: “Vũ ạ, phải đặt được bia di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Đại Từ, Thái Nguyên nữa thì mới yên tâm”. Sự yên tâm mà anh Minh nhắc đến, theo tôi nghĩ đó là sự yên tâm với lịch sử, với các vị tiền bối, với bề dày của việc đào tạo báo chí nước nhà. Lớp học đầu tiên với 42 học viên ấy đã tỏa đi khắp các chiến trường, các nẻo đường đất nước đưa tin chiến sự, cổ vũ nhân dân đồng lòng đánh giặc, xây dựng đất nước Việt Nam…
Chúng tôi bắt tay vào sưu tầm hiện vật của các nhà báo đã từng là học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đi phỏng vấn từng nhân vật còn sống. Tôi còn nhớ, ngày 31/10/2017, tôi và đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cùng Nguyễn Văn Ba, bảo tàng viên đến nhà cụ Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Cuộc gặp tại đây có bà Phạm Thị Mai Cương, bà Lý Thị Trung và bà Dung vợ ông Trần Kiên. Mọi người như trở về thời trai trẻ, từ những câu chuyện về học hành, sinh hoạt của trường dạy làm báo ở chiến khu ấy, những tình cảm lứa đôi, những câu chuyện vui từ những món ăn như cà bung, làm báo tường...
Bà Mai Cương kể lại, mắt vẫn ánh lên hãnh diện: “Trong lớp học, ba chị em phụ nữ ngồi bàn đầu nên thầy giáo vào dạy hoặc các đồng chí lãnh đạo đến thăm lớp đều được bắt tay trước, hãnh diện lắm so với cánh đàn ông”. Bà Lý Thị Trung tâm sự: “Hồi ấy, nhà bếp cho ăn mãi món cà, hết cà nấu canh đến cà bung mắm tôm, nướng hấp đủ các kiểu đến nỗi chán không muốn ăn”. Ông Kiên thì trầm tĩnh: “Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng ai cũng hăng hái muốn trang bị cho mình kiến thức làm báo để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân nhân”.
Nhiều lần đến thăm nhà báo Phạm Viết Thiệu, ông tâm sự rằng sau khi học xong, đi thực tập phỏng vấn đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông mất bình tĩnh run đến mức quên hết câu hỏi, nhờ bác Giáp trấn tĩnh, động viên rồi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Ông kể khu tập thể của học viên nam riêng, nữ riêng, nhà lợp lá, bàn ghế làm bằng tre chẻ đôi và xếp theo chiều cao dần về phía sau.
Những tấm ảnh, những bài viết, danh sách những buổi ghi hình về các nhân vật... ngày một dày thêm. Đây là cơ sở để chúng tôi từng bước hoàn thiện hồ sơ, khoanh vùng di tích, trình các ngành chức năng xem xét, công nhận. Tình cờ xem được phóng sự phát trên VTV1 mô tả quá trình mấy chục năm đi tìm địa chỉ di tích này mà trong đó chủ yếu là sự xông pha của nhà báo Hữu Minh, chúng tôi càng có thêm động lực và quyết tâm vào cuộc.
Đến quyết tâm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam
Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện việc lập hồ sơ để ngành chức năng công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích Quốc gia. Khi có văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hồ sơ khoanh vùng di tích là bước đầu để tiến tới xin công nhận di tích quốc gia.
Tôi và Nguyễn Văn Ba được đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên bám sát việc lập hồ sơ khoanh vùng di tích. Thực tế để làm được việc này chúng tôi đã phải đi lại cơ sở rất nhiều.
Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa kia, hiện nay phần lớn nằm dưới lòng hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái (Đại Từ). Sau khi đo đạc, chúng tôi xác định tọa độ khoanh vùng di tích, vẽ bản đồ… một việc rất quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.
Có lần khi đoàn công tác của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Nguyễn Gia Thụy, Chánh Văn phòng và đồng chí Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra đi cùng về xã Tân Thái. Chiều đoàn phải về Hà Nội có việc gấp, tôi đã tình nguyện ở lại để xin 8 con dấu trên bản đồ khoanh vùng từ xã, huyện đến tỉnh. Khi xác định được lô đất, việc đo đạc, cắm cọc, san ủi… đều làm rất rốt ráo, đúng quy trình.
Rồi ngày đó cũng đến. Khi biết thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia, trong lòng chúng tôi ai cũng dâng trào niềm vui…
Hiện hữu “địa chỉ đỏ” ngôi trường dạy làm báo đầu tiên
Sau 5 năm chuẩn bị, đầu năm 2024 tiến hành khởi công và Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 9/8/2024, tại xã Tân Thái (Đại Từ).
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Sự kiện góp phần đưa di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ”, phát huy đầy đủ giá trị lịch sử của người làm báo cách mạng, thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại vùng chiến khu xưa.
Cùng trong khuôn khổ các hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, UBND xã Tân Thái và Nhị Vân Media tổ chức chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Chương trình nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về những di sản vô giá của Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các thế hệ người làm báo đã nỗ lực xây dựng và phát triển. Thông qua chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn người làm báo cả nước, đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các sinh viên, học sinh hiểu hơn về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, góp phần bồi đắp kiến thức khoa học lịch sử và văn hoá...
Rồi đây các kỷ vật sẽ được phổ biến, trưng bày trang trọng nơi mà cách đây 75 năm là địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Những bằng chứng sinh động của di tích lịch sử quốc gia này là tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo Baothainguyen.vn
Đang Online: 65
Tổng số truy cập: 507.778