Thứ Ba, ngày 5/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười ba (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Quốc hội làm việc ngày thứ mười ba (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Trong phiên buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó có Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Tại phiên thảo luận có 11 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 01 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024; khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để đảm bảo cân đối ngân sách, hoàn thành nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, chi thường xuyên, chi đầu tư năm 2024, xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính và các quỹ tài chính ngoài ngân sách năm 2024, dự kiến kế hoạch năm 2025; bất cập, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch; sự cần thiết, căn cứ pháp lý, tính phù hợp, hiệu quả của các nội dung Chính phủ trình đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại phiên thảo luận có 12 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến và 04 lượt đại biểu Quốc hội tranh luận; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật và nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; tuổi phục vụ của sĩ quan dự bị; cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan; thăng quân hàm đối với sĩ quan tại ngũ; thăng quân hàm, nâng lương sĩ quan trước thời hạn; việc bổ nhiệm cấp tướng; điều kiện nghỉ hưu của sĩ quan; việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với đối tượng đặc biệt; quản lý nhà nước về sĩ quan; chính sách nhà ở cho sĩ quan; chế độ đối với lực lượng biệt phái, tình báo; hiệu lực thi hành, quy trình, thủ tục ban hành Luật.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.
Tại phiên thảo luận có 24 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về các nội dung: giải thích từ ngữ; tính thống nhất với hệ thống pháp luật; chính sách của nhà nước về địa chất, khoáng sản; phân nhóm khoáng sản; quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác; quy hoạch khoáng sản, phương án quản lý về địa chất, khoáng sản; căn cứ và nội dung của quy hoạch khoáng sản; trách nhiệm lập quy hoạch khoáng sản; khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; thực hiện dự án đầu tư, công trình tại khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; thu hồi khoáng sản; diện tích khu vực thăm dò khoáng sản; nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò khoáng sản; quyền ưu tiên đối với tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác khoáng sản; khu vực khai thác khoáng sản, diện tích khu vực thực hiện dự án đầu tư khai thác khoáng sản; thời hạn của giấy phép khai thác khoáng sản; việc bồi thường thiệt hại khi thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản; cấp, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, trả lại giấy phép khai thác khoáng sản; giám đốc điều hành mỏ; khai thác khoáng sản nhóm IV; nguyên tắc cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông, lòng hồ, khu vực biển; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Kết thúc phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Vào thứ Tư, ngày 6/11/2024, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi);
Buổi chiều, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Theo Báo Nhân Dân
Đang Online: 65
Tổng số truy cập: 507.778