Ngày 20-4, toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã đồng loạt tổ chức họp cộng đồng dân cư để lấy ý kiến nhân dân đối với phương án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và hợp nhất tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang. Không khí dân chủ, trách nhiệm và đồng thuận lan tỏa khắp các địa bàn, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa.
Ngay trong buổi sáng, lãnh đạo huyện, thành phố, cán bộ phòng chuyên môn đã trực tiếp xuống kiểm tra, chỉ đạo tại các thôn, tổ dân phố. Lãnh đạo cấp xã cũng tham gia đầy đủ, chủ trì, hướng dẫn công tác tổ chức họp dân và lấy ý kiến, bảo đảm đúng quy định, đúng quy trình theo hướng dẫn của UBND tỉnh.
Đồng chí Chủ tịch UBND huyện Na Hang Tô Viết Hiệp dự Hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang). Ảnh: Thanh Phúc
Các cuộc họp được tổ chức theo đúng quy định tại Điều 18 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP. Từ việc thông báo trước đến từng hộ dân, chuẩn bị tài liệu, đến nội dung thảo luận, biểu quyết tại cuộc họp, tất cả đều được triển khai bài bản, nghiêm túc.
Trước đó, một số địa phương trên địa bàn các huyện đã chủ động triển khai lấy ý kiến sớm hơn theo khung thời gian linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Việc tổ chức sớm giúp các xã thuận lợi hơn trong tổng hợp ý kiến, hoàn thiện báo cáo và đảm bảo tiến độ chung của toàn tỉnh.
Theo ghi nhận bước đầu, việc lấy ý kiến Nhân dân diễn ra thuận lợi, nghiêm túc, đúng tiến độ. Tinh thần chung của người dân là đồng thuận, ủng hộ cao với các phương án sắp xếp, thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng vào một bước phát triển mới sau sáp nhập.
Phóng viên Báo Tuyên Quang đã ghi nhận không khí làm việc dân chủ tại các địa phương và một số ý kiến của nhân dân về vấn đề sáp nhập.
Từ sáng sớm, đông đảo cử tri thôn Ao Sen 2, xã Đức Ninh (Hàm Yên) đến nhà văn hoá thôn để dự Hội nghị lấy ý kiến cử tri về chủ sáp nhập tỉnh, xã, phường. Ảnh: Công Vượng
Tổ 10 phường Tân Quang (Tp Tuyên Quang) triển khai lấy ý kiến nhân dân. Ảnh: Hải Hương
Người dân thôn 9, xã Thái Bình (Yên Sơn) đồng tình việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh, xã. Ảnh: Minh Thủy
Người dân thôn Lục Mùn, xã Phúc Ninh (Yên Sơn) biểu quyết nhất trí chủ trương. Ảnh: Thanh Phúc
Các cử tri thôn Nắc Con 1, xã Yên Lâm (Hàm Yên) biểu quyết đồng thuận cao với chủ trương. Ảnh: Công Vượng
Nhân dân thôn Nà Chang xã Năng Khả (Na Hang) biểu quyết về sáp nhập đơn vị hành chính. Ảnh: Thanh Phúc
Nhân dân thôn Nà Đồn, xã Thanh Tương (Na Hang) biểu quyết nhất trí các phương án sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh và cấp xã. Ảnh: Thanh Phúc
Hội nghị lấy ý kiến nhân dân tại thôn Bản Luông, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Ảnh: Minh Hoa
Nhân dân tổ dân phố 15, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) nhất trí về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính xã. Ảnh: Thúy Nga
Ý KIẾN VỀ PHƯƠNG ÁN SÁP NHẬP ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH CẤP XÃ VÀ HỢP NHẤT TỈNH TUYÊN QUANG VỚI HÀ GIANG
Đồng chí Từ Quang Trưởng Bí thư Đảng uỷ xã Bạch Xa (Hàm Yên)
Thực hiện chủ trương hợp nhất 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tôi nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Việc thành lập xã Bạch Xa trên cơ sở sáp nhập 3 xã Yên Thuận, Bạch Xa và Minh Khương là hoàn toàn phù hợp, bởi 3 xã có địa giới giáp nhau, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế, cơ cấu dân tộc, văn hóa, giao thông đi lại thuận lợi.
Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, tôi xác định rõ rằng, dù sau sáp nhập được phân công ở vị trí nào, tôi cũng sẽ luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ, tiếp tục cống hiến và hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Đến nay, xã đã tổ chức họp lấy ý kiến nhân dân tại 10/10 thôn, với kết quả 100% người dân đồng thuận, thể hiện sự tin tưởng, ủng hộ chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, đồng lòng thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Bà Phạm Thị Dung Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ 10, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang)
Cá nhân tôi cho rằng, việc hợp nhất tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang nếu được thực hiện bài bản, thận trọng sẽ góp phần tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát huy tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc.
Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang, đây là bước đi cần thiết để nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở. Người dân trong tổ bày tỏ mong muốn, sau khi sắp xếp, bộ máy chính quyền cần tiếp tục phát huy tinh thần phục vụ, gần dân, sát dân, bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhân dân trong giải quyết công việc hành chính cũng như các hoạt động thường ngày.
Ông Ma Văn Đức Phường Tân Hà (TP Tuyên Quang)
Theo tôi, chủ trương hợp nhất tỉnh, sáp nhập các đơn vị hành chính xã sẽ mở ra những cơ hội lớn thúc đẩy sự giao thoa văn hóa ở quy mô rộng hơn. Không có gì ảnh hưởng đến việc bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống mà càng tăng thêm thuận lợi cho việc phát triển văn hoá giữa các vùng miền với nhau. Một số tư tưởng cho rằng việc sáp nhập làm mất đi tên quê hương là hoàn toàn sai lầm. Quê hương chúng ta là Tổ quốc ta, từng vùng miền vẫn thế, địa danh vẫn thế không mất đi đâu cả. Sáp nhập là tăng thêm thế mạnh, chính nó là điều kiện để mở rộng văn hoá các vùng miền, để bảo tồn các giá trị văn hoá trên địa bàn chúng ta đang sống. Tôi kỳ vọng, chủ trương sáp nhập tỉnh được thực hiện thì nguồn lực dành cho văn hóa nghệ thuật cũng được tập trung hơn, hiệu quả hơn. Những di sản, những văn hóa nghệ thuật được chú trọng hơn, được đầu tư nhiều hơn, phát triển hơn để phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc.
Ông Dương Trung Dũng Trưởng thôn Khuân Điển, xã Kim Quan (Yên Sơn)
Việc sắp xếp đảm bảo thống nhất về quan điểm của Đảng về đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng hệ thống chính trị “Tinh gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả”. Các đơn vị hành chính xã được mở rộng, quy mô dân số tăng, không còn khoảng cách giữa vùng sâu, vùng xa. Các tiêu chí về lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh… càng được đảm bảo và phát triển mạnh mẽ; tạo được môi trường, không gian phát triển cho đơn vị hành chính mới hiệu quả phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Xã và thôn sẽ phát huy hiệu quả hơn lợi thế sẵn có để hỗ trợ lẫn nhau cùng thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân các xã ATK của huyện.
Ông Phạm Quang Hiệp Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Phú
Tôi cho rằng chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện là phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Việc hợp nhất 2 tỉnh sẽ tạo ra một thị trường lớn hơn, giúp doanh nghiệp tiếp cận được nhiều khách hàng và cơ hội kinh doanh mới. Đặc biệt, khi bộ máy hành chính được tinh gọn thì các thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp cũng sẽ được cắt giảm.
Như trước đây, nếu dự án xây dựng liên quan đến 2 tỉnh thì thủ tục hành chính, giấy tờ phải giải quyết ở cả 2 nơi. Nhưng nếu sáp nhập thì thủ tục hành chính, giấy tờ chỉ cần giải quyết ở một tỉnh, từ đó giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và công sức cho doanh nghiệp. Chi phí cho việc vận hành bộ máy của doanh nghiệp được cắt giảm, các nguồn đầu tư cho an sinh xã hội sẽ được tăng lên, đời sống của người dân chắc chắn sẽ tốt hơn.
Chị Chẩu Thị Nga Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (TP Tuyên Quang)
Tôi tin rằng, sau hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh, các chính sách du lịch được đồng nhất, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các hành trình đa điểm với chi phí và thời gian tối ưu hơn.
Cả 2 tỉnh Tuyên Quang - Hà Giang đều có thế mạnh về du lịch, khi kết hợp lại sẽ thành một điểm đến toàn diện và hấp dẫn. Đặc biệt, việc sáp nhập sẽ giúp nhà đầu tư thấy một thị trường rộng hơn, nhiều tiềm năng và có độ ổn định cao hơn. Từ đó, việc kêu gọi đầu tư vào các khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, các tổ hợp vui chơi giải trí sẽ thuận lợi hơn.
Ông Trương Ngọc Dao Thôn Thia, xã Tân Trào (Sơn Dương)
Chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã là rất phù hợp với giai đoạn hiện nay. Là người cao tuổi của xã Tân Trào, tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương này. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cùng với công tác tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực hiệu quả là rất hợp lý và hợp lòng dân; sẽ thúc đẩy kinh tế và đời sống người dân ngày càng phát triển. Tôi thấy đề án sáp nhập, hợp nhất 3 xã Tân Trào và Trung Yên và Kim Quan thành một và lấy tên là xã Tân Trào là rất hợp lý vì cả 3 xã có nhiều nét tương đồng, đều có những di tích lịch sử quan trọng. Sau khi sáp nhập sẽ hình thành một quần thể di tích lịch sử, văn hóa từ đó thuận lợi cho phát triển du lịch và phát triển kinh tế trên địa bàn trong giai đoạn tới.
Ông Triệu Văn Cao Thôn Lũng Giềng, xã Xuân Lập (Lâm Bình)
Cấp trung gian giảm bớt bao nhiêu là hiệu quả bấy nhiêu. Điều này không phải chỉ có nước mình, nhiều nước trên thế giới cũng đã bỏ rồi. Vì vậy, theo tôi việc này là cần thiết và tôi rất đồng tình với chủ trương của Trung ương về tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính. Đây là quyết định đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay, giúp nâng cao hiệu quả công việc và giảm thiểu sự cồng kềnh trong bộ máy nhà nước.
Việc tinh giản bộ máy không chỉ giúp tiết kiệm nguồn lực mà còn góp phần nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Tôi sẽ luôn đồng hành cùng các cơ quan chức năng để triển khai thực hiện một cách hiệu quả nhất. Tôi cũng sẽ chờ đón những tin vui nhất từ cuộc cách mạng cải cách hành chính lần này.
Bà Lương Thị Long tổ 5 Phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang)
Sau khi được nghe triển khai về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, tôi rất đồng tình và ủng hộ. Đặc biệt, khi biết thông tin xã Thái Long sẽ sáp nhập với phường Đội Cấn để thành lập đơn vị hành chính mới mang tên phường Bình Thuận, đặt trụ sở tại địa điểm hiện nay của UBND phường Đội Cấn, tôi cảm thấy rất phấn khởi. Việc sáp nhập sẽ tạo điều kiện để mở rộng không gian. Tôi mong muốn sau khi sáp nhập, chính quyền phường Bình Thuận sẽ tiếp tục phát huy tinh thần phục vụ nhân dân, gần dân, sát dân hơn nữa; cán bộ công chức cần nhiệt tình, trách nhiệm, tận tâm trong giải quyết công việc để người dân yên tâm, tin tưởng. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân nắm rõ những thay đổi để thích nghi, ổn định cuộc sống.
Bà Đặng Thị Gém Thôn 8 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên)
Hôm nay được tham gia hội nghị lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập tỉnh Tuyên Quang với tỉnh Hà Giang, tôi nhất trí cao với phương án sáp nhập tỉnh. Gia đình tôi sinh sống giáp với người dân tỉnh Hà Giang, tới đây về một nhà lại càng đoàn kết hơn. Tôi mong sau sáp nhập Nhà nước sẽ đầu tư cho tỉnh Tuyên Quang nhiều hơn, đặc biệt là bà con dân tộc thiểu số để người dân sống ở vùng khó như chúng tôi có điều kiện phát triển.
Ông Hà Vĩnh Úy Thôn Phúc Linh, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa)
Qua tìm hiểu, tôi hoàn toàn đồng tình, nhất trí với dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang, dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Tuyên Quang. Trong đó, huyện Chiêm Hóa có sắp xếp các xã Tân Thịnh, Hòa An, Nhân Lý thành xã Hòa An, trụ sở tại xã Hòa An. Việc sắp xếp này là nền tảng quan trọng để xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, sát dân và đáp ứng nhanh, hiệu quả yêu cầu phục vụ người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Thanh Phúc
Đang Online: 6
Tổng số truy cập: 1.210.922