Với phương châm: Trung ương làm trước, địa phương làm sau, Trung ương không đợi tỉnh, tỉnh không đợi huyện, huyện không đợi xã, với sự lãnh đạo, chỉ đạo nhất quán, quyết liệt từ Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã và đang tạo ra "sức nóng" mạnh mẽ, lan tỏa sâu rộng cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương và toàn xã hội.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân uỷ Trung ương phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Tinh gọn bộ máy để loại bỏ người lười biếng Ngày 16/12, tham dự Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, phải làm tốt công tác tham mưu, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là vấn đề khó, thậm chí là rất khó. Khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, lợi ích của một số cá nhân, tổ chức. Do vậy, công tác này cần phải được tiến hành khách quan, thận trọng, dân chủ, khoa học, bài bản. Cũng theo Tổng Bí thư, việc tinh gọn tổ chức bộ máy phải bám sát, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc, quan điểm của Đảng, Trung ương đã thống nhất, bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đảm bảo tính tổng thể, đồng bộ, liên thông. Một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm, khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính Đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp; phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức, của bộ máy. Dự và phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Nội vụ ngày 21/12, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025. Mặc dù số lượng người bị ảnh hưởng khá lớn với khoảng 100 nghìn người, nhưng phải mạnh dạn tiến hành. Bộ Nội vụ tiếp tục nghiên cứu làm sao thu hút, giữ chân, đào tạo, đãi ngộ được người tài; đánh giá đúng cán bộ để sử dụng cho đúng. Là cơ quan tham mưu trong việc này, Bộ Nội vụ làm sao “loại bỏ người lười biếng trong bộ máy, thu hút người tài vào trong nền hành chính công” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tinh gọn bộ máy không chỉ là cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy mà còn là “cuộc cách mạng giải phóng tư tưởng để tất cả chúng ta cùng thay đổi, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn”; nhất là thay đổi tư duy, tầm nhìn và nhận thức mới và đặc biệt là cải cách đổi mới và phát triển, phát huy tốt nhất nhân tố con người, nhằm thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hùng cường, thịnh vượng và hạnh phúc như Tổng Bí thư đã nói. Đây là cuộc cách mạng đầy khó khăn, thách thức, phức tạp, nhạy cảm, đầy cam go và có cả sự cản trở, đòi hỏi bản lĩnh, ý chí, trí tuệ, đoàn kết, thống nhất, sự dấn thân, dũng cảm và hi sinh của cán bộ, lãnh đạo, người đứng đầu trong hệ thống chính trị với tinh thần đoàn kết, quyết tâm, quyết liệt để việc triển khai được tiến hành nhanh, tích cực và hiệu quả. Có chính sách ổn định cuộc sống cho người lao động sau khi sắp xếp Vấn đề quan trọng nhất, được nhiều người quan tâm là có chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ổn định cuộc sống khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Bộ Nội vụ đã khẩn trương làm ngày, làm đêm để xây dựng các chế độ, chính sách, trình cấp có thẩm quyền xem xét kịp thời. Hiện Bộ đã hoàn thành dự thảo Nghị định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nội dung này đã được báo cáo Ban Cán sự Đảng, Ban Chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Tinh thần của chính sách là "làm cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy thì cơ chế, chính sách cũng mang tính cách mạng". Vì vậy chính sách lần này đòi hỏi nhanh, mạnh, nổi trội, nhân văn, công bằng, bảo đảm tương quan hợp lý giữa các đối tượng, nhằm ổn định cuộc sống, bảo đảm quyền, lợi ích cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để “không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy”. Việc xây dựng chính sách gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong đánh giá, sàng lọc, lựa chọn đối tượng công chức, viên chức nghỉ, gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Lan tỏa “sức nóng” của cuộc cách mạng Với khí thế toàn Đảng, toàn dân, toàn diện, đồng bộ, khoa học, thận trọng, bài bản và thần tốc, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đang được tiến hành tích cực, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương. Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội ngày 19/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thành các Đề án, quy định, văn bản, bảo đảm đúng tiến độ trình Hội nghị Trung ương vào giữa tháng 2/2025 và kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 2/2025. Đồng thời, hoàn thành việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, quyết định; hoàn thiện sắp xếp, tinh gọn các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các vụ, đơn vị, tổ chức trực thuộc Văn phòng Quốc hội, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch Trung ương đã đề ra. Tại Phiên họp thứ 5, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW Trung ương khóa XII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, nghiên cứu, đề xuất cơ cấu tổ chức, bộ máy tham mưu, giúp việc của Đảng ủy Chính phủ bảo đảm tinh, gọn, mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, giảm khâu trung gian, giảm đầu mối, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, một việc chỉ giao một người và một người có thể làm nhiều việc; xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và quan hệ công tác của các cơ quan tham mưu, giúp việc; xây dựng vị trí việc làm, xác định các chức danh, chức vụ công tác...
Cùng với đó, tiếp tục làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, đảng viên. Theo phương án hợp nhất, sáp nhập một số bộ, cơ quan, dự kiến bộ máy Chính phủ giảm 5 bộ và 3 cơ quan trực thuộc Chính phủ; giảm 12/13 tổng cục và tổ chức tương đương tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; 500 cục và tương đương thuộc bộ, tổng cục; 177 vụ thuộc bộ, cơ quan ngang bộ và tương đương; 190 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ và các cơ quan trong bộ. Con số này cao hơn so với định hướng Trung ương đặt ra. Các tổ chức sau khi sắp xếp, hợp nhất giảm từ 35 - 40% đầu mối, các tổ chức còn lại sắp xếp bên trong giảm tối thiểu 15%. Cơ bản bỏ các tổng cục và các tổ chức tương đương. Với tinh thần hết sức khẩn trương, đảm bảo đúng tiến độ đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai chỉ đạo của Trung ương, của Chính phủ, đề xuất phương án quyết tâm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Bộ, đảm bảo giảm tối thiểu 15 - 20% đầu mối tổ chức bên trong theo đúng yêu cầu của Ban Chỉ đạo Chính phủ. Theo đó, sẽ tập trung vào việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động của Bộ sau khi phương án sắp xếp được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức sau sắp xếp hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay, không làm gián đoạn công việc và các hoạt động bình thường khác. Trên cơ sở kết quả đã đạt được sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Y tế đã hoàn thiện và trình Ban Chỉ đạo của Chính phủ Đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ theo hướng tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, tiếp nhận quản lý nhà nước về: bảo trợ xã hội; trẻ em; phòng, chống tệ nạn xã hội từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển sang. Đồng thời, tiến hành xây dựng dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu của Bộ Y tế theo phương án sắp xếp… Các địa phương cũng đã cơ bản hoàn thành Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng, gợi ý của Ban Chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó, việc sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh sẽ bảo đảm tổng số sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 sở. Riêng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có không quá 15 sở. Với tinh thần chỉ đạo trên, sau sắp xếp, tỉnh Quảng Nam sẽ giảm 6 sở, ngành. Tổng số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh của Quảng Nam sau sắp xếp còn lại 13 cơ quan chuyên môn, 1 tổ chức hành chính thuộc UBND tỉnh. Tỉnh Đồng Tháp dự kiến sẽ giảm 24 đầu mối thuộc Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Trong đó, khối Đảng giảm 12 đầu mối trực thuộc Tỉnh ủy (giảm 1 cơ quan chuyên trách, 1 cơ quan kiêm nhiệm, 1 Đảng ủy khối, 8 Đảng đoàn, 3 Ban cán sự Đảng và tăng 2 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy); giảm tối thiểu 36 đầu mối trực thuộc cấp ủy cấp huyện. Khối chính quyền giảm tối thiểu 12 đầu mối thuộc UBND tỉnh (gồm: 6 sở, 4 đơn vị sự nghiệp, 2 tổ chức giúp việc); giảm tối thiểu 22 tổ chức bộ máy bên trong và tối thiểu 31 đầu mối thuộc UBND cấp huyện… Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Tây Ninh đã thông qua phương án định hướng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Dự kiến sau sắp xếp, Tây Ninh sẽ giảm được 49 đầu mối. Trong đó, cấp tỉnh giảm 19 đầu mối, cấp huyện giảm 30 đầu mối…
Theo TTXVN
Đang Online: 2
Tổng số truy cập: 507.455