Sáng 24 -12, đồng chí Trần Hồng Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chủ trì cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm kiểm điểm, đánh giá tiến độ triển khai, thực hiện các dự án để hoàn thành 3.000 km đường cao tốc năm 2025. Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, Dự án đường bộ cao tốc có kế hoạch hoàn thành năm 2025 là 1.188 km, đến thời điểm này có 28 dự án trên dự án thành phần (DATP). Trong đó, có 16 dự án do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản; 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp.
Qua đánh giá tình hình thực hiện, nhóm 1 có 15 dự án/DATP có 771 km cơ bản không còn nhiều khó khăn, vướng mắc; nhóm 2 gồm 8 dự án/DATP cần phải tập trung tháo gỡ các khó khăn về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu xây dựng, đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành trên 281 km; nhóm 3 gồm 5 dự án/DATP với 136km, đặc biệt đoạn qua cầu Phước Khánh thuộc Dự án Bến Lức - Long Thành; dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua Tuyên Quang cần nỗ lực triển khai mới đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đều không đáp ứng tiến độ yêu cầu trong công tác giải phóng mặt bằng; thiếu nguồn vật liệu xây dựng và còn nhiều khó khăn khác.
Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang được đầu tư xây dựng với tổng chiều dài tuyến 77km, giai đoạn 1 đầu tư xây dựng 69,7 km, nền đường rộng 12,0m; thiết kế 7 nút giao liên thông và 3 nút giao bằng; xây dựng 91 hầm chui, 22 cầu. Thực hiện giải phóng mặt bằng 25,25m (quy mô đường cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh). Tiến độ thi công 24 tháng, hoàn thành dự án trong năm 2025. Đến nay, mặt bằng thi công đã bàn giao được gần 57/69,7km, đạt 82%; đang triển khai thi công xây dựng 24/24 khu tái định cư; thi công đồng loạt 6 gói thầu xây lắp phần đường và 17/22 cầu trên tuyến, với 90 mũi thi công, 660 máy móc, thiết bị, tổng giá trị thực hiện lũy kế đạt hơn 976,63 tỷ đồng, tương ứng khoảng 19,78% giá trị hợp đồng.
Phát biểu tại cuộc họp đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nêu một số vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh vẫn chưa thực hiện tháo gỡ dứt điểm để phục vụ công tác thi công dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn qua địa bàn tỉnh nên chưa đáp ứng tiến độ thi công.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn 15% chưa thực hiện được do liên quan đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp của các công ty giấy, đất theo dự án 327, 661; các khu tái định cư bị chậm do thời tiết mưa nhiều; vật liệu đất đắp tuyến chính (10,7 triệu m3), tìm được mỏ nhưng mỏ lại không nằm trong quy hoạch sử dụng đất của tỉnh nên tỉnh đang tiến hành cơ sở pháp lý để khai thác đất đắp tuyến chính.
Khó khăn phát sinh trong thi công là khu tái định cư thôn Bưu Nghiệu, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên sụt lún ảnh hưởng 29 hộ dân tái định cư; gần 1km phát hiện có đất màu trắng, được đánh giá sơ bộ là khoáng sản cao lanh. Theo quy định, phải dừng thi công, báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường xử lý theo quy định…Khắc phục mọi khó khăn, tỉnh đang nỗ lực giải phóng mặt bằng để thực hiện bàn giao 100% trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ; quyết tâm phấn đấu hoàn thành dự án năm 2025.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc có ý kiến kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ sớm có phương án hướng dẫn xử lý gần 1km liên quan đến khoáng sản và xem xét hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang nguồn vốn đầu tư thực hiện dự án.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Để hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025 theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải và các địa phương cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm ở mức cao nhất, nhằm đảm bảo mục tiêu đề ra.
Đồng thời, rà soát lại kế hoạch triển khai, nhận diện đầy đủ các khó khăn, vướng mắc để chủ động, kịp thời, linh hoạt tháo gỡ. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công, đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng các dự án.
Cùng với đó, duy trì tăng ca, tăng kíp bù khối lượng đã bị chậm tiến độ, bổ sung các mũi thi công, thi đua hoàn thành các hạng mục công trình. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết khóa XIII của Đảng, đáp ứng sự mong mỏi của Nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Tin, ảnh: Trang Tâm
Đang Online: 4
Tổng số truy cập: 507.465