Đầu tháng 12, thời tiết châu Âu chỉ từ 1 đến 8 độ C. Chúng tôi đầy đủ trang phục giữ ấm, thực hiện chuyến học tập và nghiên cứu tại Cộng hoà Áo và CHLB Đức trong nửa tháng. Đoàn gồm 17 người, do PGS. TS. Nguyễn Thị Trường Giang, Phó giám đốc Học viện Báo chí Tuyên truyền làm Trưởng đoàn. Thành viên là các giảng viên của Học viện báo chí Tuyên truyền, các nhà báo và những học viên các lớp sau đại học của Học viện.
Những chuyện hằng ngày
Mặc dù đã được quán triệt kỹ về tác phong làm việc của châu Âu, nhưng vài ngày đầu chúng tôi vẫn không tránh khỏi những chệch choạc do lệch múi giờ. Khi thì đến giảng đường muộn vài phút, khi thì đến đúng gin giờ, không kịp cởi áo khoác, báo hại ai nấy đều rôm đốt râm ran bởi trong phòng chênh với ngoài trời đến cả chục độ.
Rồi giờ giấc ổn dần, máu nghề nổi lên. Mỗi giờ học là những cuộc trao đổi không ngớt. Các giảng viên không ngớt hỏi các giáo sư về những vấn đề trong đào tạo, còn các nhà báo lại thích thú với những xu hướng mới của truyền thông châu Ấu, đặc biệt của Áo và Đức. Mỗi ngày học từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa (15 giờ đến 18 Việt Nam) và 1g30 đến 17 giờ (19giờ 30 đến 23 giờ đêm giờ Việt Nam), nhưng cả đoàn đều nhanh chóng thích nghi và hào hứng với các giờ học và những chuyến đi thực tế tại các cơ quan báo chí truyền thông của bạn.
Việc ăn uống cũng khá khó khăn. Đồ Tây thì nhiều, nhất là trong các bữa sáng tại khách sạn, nhưng các nhà báo, nhà giáo Việt khó xài. Nên hôm nào cũng chỉ bánh mì, trứng và táo, mang cả đến giảng đường cho bữa trưa. Ai cũng ngạc nhiên khi thấy nhân viên khách sạn không phản ứng hay khó chịu gì, bèn tự giải thích với nhau: chắc họ thấy khách Việt ăn chỉ bằng phần nhỏ của khách Tây nên cho lấy đi thoải mái. Cũng may, tôi và một số người mang mì, cháo ăn liền và lương khô, PGS.TS Trường Giang mang bánh chưng, TS. Quang của Học viện BCTT mang ruốc, hoa hậu Nguyễn Thị Huyền mang cơm cháy, nước mắm, ớt, tiêu...nên các bữa ăn cũng tàm tạm.
Đến giờ, và chắc mãi về sau, tôi vẫn không quên hình ảnh ân cần của GS.TS. Thomas A. Bauer, Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục và Truyền thông Châu Âu, khi ông già trên 80 đi xe buýt ra tận sân bay đón chúng tôi, và sau mỗi giờ học buổi sáng, lại giúp chúng tôi mượn ấm siêu tốc để đun nước pha mì tôm. Cũng không quên hình ảnh Thượng nghị sỹ Áo Michael Platz cùng ăn mì tôm buổi trưa với chúng tôi tại giảng đường Đại học Viên. Anh là một chàng rể Việt, take giúp chúng tôi các buổi thực tế tại trụ sở LHQ Viena, Văn phòng Thủ tướng Áo và các cơ quan báo chí tại Áo.
Những thông tin bổ ích
Der Falter là một tạp chí xuất bản các ấn phẩm “theo quan điểm tự do cánh tả” về chính trị, truyền thông, văn hóa và đời sống thành phố Viena. Tổng biên tập Der Falter Florian Klenk, Tatjana Ladstätter cho chúng tôi biết, tạp chí này cũng tuân theo một cách khá hệ thống khái niệm về sự tham gia chính trị xã hội và xã hội, và thúc đẩy giao tiếp (ngôn ngữ) đặc trưng của môi trường cộng đồng.
Chúng tôi đến thăm Đài truyền hình ORF – nơi đã và đang là mô hình thành công của truyền thông dân sự với các chương trình mang tính tham gia và đối thoại xã hội cao của Áo. Đài có đến hơn 400 giờ phát sóng mỗi ngày trên các kênh. Ngoài thông tin báo chí thông thường, Đài còn chú trọng tổ chức các hoạt động và sự kiện vì cộng đồng, được khán giả rất quan tâm. Thuận lợi hơn Falter, đài ORF được thu phí 50 cen/hộ/ ngày, làm kinh phí trang trải cho các hoạt động.
Tại Đức, TS. Eberhard Nembach – 1 trong 4 vị đại diện của Đài phát thanh và truyền hình bang Hessen, CHLB Đức cho biết, Đài chú trọng đa nền tảng, luôn hoan nghênh các bình luận. Ban quản trị các nền tảng xã hội của Đài chỉ có 2 người nhưng mỗi ngày kiểm soát và xử lý các bình luận, đồng thời gửi phản hồi cho các tác giả bài viết để cùng trao đổi. Những cách thức này của Đài là một trong những tham khảo tốt của báo chí hiện đại về chống lại tin giả và báo chí định tính.
Cũng tại CHLB Đức, chúng tôi đã thăm Báo Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) và nghe các đại diện của tờ báo nói về hoạt động của Báo trong thời kỳ khủng hoảng nhiều mặt và những người theo chủ nghĩa dân tuý. Khi báo in đứng trước nhiều nguy cơ đình bản bởi truyền hình và các dạng thức truyền thông xã hội, Falter tập trung vào đối tượng bạn đọc là các chuyên gia, người uy tín, nhà khoa học, với những nội dung chuyên sâu, mang hàm lượng tri thức cao. Falter cũng cho thấy một xu hướng truyền thông châu Âu hiện đại - một sự kết hợp tính phê phán và khơi gợi cộng đồng, hàng loạt bài viết khách quan đã tạo ra sự khác biệt. Nhờ vậy, dù phát hành hằng tuần, nhưng Falter vẫn có tia ra 350 nghìn bản/kỳ.
Ông Ralf Euler, một trong những đại diện FAZ cho biết, hiện số lượng người đọc cũng đang giảm, do phải cạnh tranh với nhiều tờ khác, nên Báo phải tính đến việc bạn đọc trả tiền cho các bài chất lượng.
Cả đoàn chụp ảnh chung với GSTS Thomas Chủ tịch Hiệp Hội Giáo dục truyền thông châu Âu (giữa)
Đoàn nghiên cứu thăm Văn phòng Thủ tướng Áo
Gần nhau nhờ văn hoá
Ngoài học tập, nghiên cứu, trao đổi về báo chí truyền thông; chúng tôi còn có những trải nghiệm tuyệt vời về văn hoá. Trước chuyến đi, tôi mang theo những chiếc khăn thổ cẩm và vòng cổ kết tay của HTX thổ cẩm Lâm Bình. Một thành viên khác mang theo những bức tranh dân gian Đông Hồ. Nên mỗi khi kết thúc giờ giảng của một giáo sư, trưởng đoàn lại trao tặng một chiếc khăn, hay bức tranh thay lời cảm ơn với những giới thiệu ngắn gọn về món quà. Từ các giáo sư đến các vị Bộ trưởng, thủ hiến bang hay nhân viên trụ sở cơ quan ngoại giao...đều tỏ vẻ hài lòng và thích thú.
Có cảm giác, những món quà đậm chất văn hoá Việt Nam đã khiến họ xúc động và yêu mến chúng tôi hơn. Nhiều người cam kết: nhất định sẽ sớm đến Việt Nam, thăm những nơi sản xuất ra những sản phẩm giàu chất văn hoá này.
Mỗi cuối ngày làm việc, chúng tôi đều tranh thủ đến những địa chỉ văn hoá nổi tiếng của Áo và Đức, trải nghiệm các phiên chợ Giáng sinh sôi động, thăm làng cổ Hanstat của Áo, làng cổ Heidenbeg của Đức, thăm quê hương các nhạc sỹ thiên tài Moza và Bethoven...Tất cả đều đem đến những trải nghiệm văn hoá sâu sắc.
Đặc biệt, nhân dịp này, tôi tranh thủ giới thiệu về báo Tuyên Quang điện tử bản tiếng Anh với các giáo sư và những chính trị gia Áo và Đức khi có dịp tiếp xúc. Họ có phần ngạc nhiên khi một tờ báo địa phương miền núi của Việt Nam lại có được báo điện tử tiếng Anh với nhiều nội dung hấp dẫn đến thế, và nói sẽ thường xuyên truy cập.
Tác giả và PGS.TS Nguyễn Trường Giang tặng khăn thổ cẩm Lâm Bình cho các giáo sư Đại học Viena (Áo)
Tặng khăn thổ cẩm Lâm Bình cho đại diện Đài truyền hình bang Hessen ( Đức)
Điều tôi thấy thú vị hơn cả, là những chiến lược mà báo FAZ của Đức hay đài ORF của Áo đang thực hiện cũng chính là những điều báo chí Việt Nam nói chung và báo Tuyên Quang của chúng tôi đang theo đuổi.
Hà Linh
Đang Online: 46
Tổng số truy cập: 1.209.024