Sáng 21-4, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức kỷ niệm 75 năm ngày thành lập (21/4/1950 – 21/4/2025) và Hội nghị toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam năm 2025.
Dự chương trình có các đồng chí: Lê Quốc Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà báo lão thành, lãnh đạo hội nhà báo các tỉnh, thành cả nước.
Các đại biểu dự chương trình.
Ngôi nhà chung của người làm báo
Ngày 21/4/1950 - cách đây đúng 75 năm, thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Đại hội lần thứ nhất của Hội những người viết báo Việt Nam (Hội Nhà báo Việt Nam) được tổ chức, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Trường Chinh. Đây cũng là một trong những Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp ra đời sớm nhất. Đại hội đã thống nhất thông qua điều lệ, chương trình hoạt động, bầu ra Ban chấp hành Hội gồm 10 nhà báo do nhà báo Xuân Thủy làm Chủ tịch.
Sự ra đời của Hội Những người viết báo Việt Nam (tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam), hoạt động báo chí trong thời kỳ kháng chiến đã được nâng lên một tầm cao mới, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Ngay từ buổi ban đầu thành lập, Đảng đã xác định báo chí là một mặt trận quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, tư tưởng và mỗi nhà báo là một chiến sỹ. Đặc biệt, các nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng ta đều là các nhà báo, điển hình là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp đó đến các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Xuân Thủy, Võ Nguyên Giáp…
Đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc.
Nhiệm vụ của Hội từ khi thành lập đến nay là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà báo trong tác nghiệp; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; giám sát việc tuân thủ luật pháp, quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; tham gia xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về thông tin, báo chí; thực hiện các hoạt động đối ngoại theo quy định của pháp luật.
Nối tiếp truyền thống 75 năm kể từ khi thành lập, Hội Nhà báo Việt Nam ngày càng lớn mạnh về số lượng, chất lượng. Từ gần 300 hội viên thuở ban đầu, đến nay Hội đã thu hút trên 25.000 hội viên, sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 21 Liên chi hội và 223 Chi hội trực thuộc trên cả nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: Trong hành trình 75 năm lịch sử, Hội Nhà báo Việt Nam đã phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, đổi mới phương thức hoạt động, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới: là tiếng nói của nhân dân, là diễn đàn của xã hội, tích cực tham gia vào công tác giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương chúc mừng tại lễ kỷ niệm.
Báo chí phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc
Năm 2024, Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều thành tựu trong xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Hội đã bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về công tác báo chí, chủ động đổi mới phương thức hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng. Các cấp Hội từ Trung ương đến địa phương tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chủ động và sáng tạo, tạo bước chuyển tích cực trong hoạt động của tổ chức Hội. Các cấp Hội, các cơ quan báo chí có nhiều đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và các địa phương.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, thống nhất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và phát huy vai trò, vị trí các cấp Hội trong quá trình thực hiện Nghị quyết 18 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả... gắn với việc quán triệt triển khai Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam trong tình hình mới" và Kết luận số 35-KL/TW, ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về "Danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở"…
Đồng chí Mai Đức Thông, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang phát biểu thảo luận tại hội nghị.
Các đại biểu thống nhất, thời gian tới, các cấp Hội Nhà báo Việt Nam thực hiện “Đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ” theo hướng tinh gọn bộ máy, đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy và chất lượng đội ngũ cán bộ. Tập trung ổn định tổ chức bộ máy ngay sau khi sắp xếp, hoàn thành cơ bản các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XI, các Nghị quyết của Ban Chấp hành và chương trình công tác toàn khóa nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.
Các cấp Hội tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống tổ chức, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội nhiệm kỳ các cấp, hướng tới Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2026-2031. Chào mừng Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và các sự kiện lớn của đất nước.
Ngọc Hưng
Đang Online: 8
Tổng số truy cập: 1.210.929