TCCSĐT - Trong Kế hoạch số 718/KH-UBND ngày 26-4-2018 của Ủy ban nhân dân huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch huyện năm 2018 với chủ đề "Bình Liêu - Nơi tình yêu không giới hạn", xã Đồng Văn được xác định là một điểm du lịch quan trọng, nơi đây hội tụ cả các tiềm năng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, con người cho một điểm đến nguyên sơ, độc đáo và hấp dẫn.
Đồng Văn và các danh lam, thắng cảnh của xã hiện diện khá nhiều trong ba tuyến du lịch, gồm: Thị trấn Bình Liêu - xã Húc Động - xã Đồng Văn - Cửa khẩu Hoành Mô; Trung tâm thị trấn Bình Liêu - xã Lục Hồn - cửa khẩu Hoành Mô - xã Đồng Văn; Thị trấn Bình Liêu - Đường tuần tra biên giới - Cửa khẩu Hoành Mô; bảy điểm du lịch gồm: chợ phiên Đồng Văn vào thứ 7, chợ phiên trung tâm thị trấn Bình Liêu vào chủ nhật, đình Lục Nà, thác Khe Vằn, thác Sông Moóc, thác Khe Tiền, cửa khẩu Hoành Mô và Mốc 1317 mà huyện Bình Liêu đã công bố trong Kế hoạch phát triển du lịch năm 2018.
Đồng Văn thuộc khu vực có địa hình vùng núi cao, có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, độc đáo; khí hậu mát mẻ, trong lành. Xã có diện tích tự nhiên trên 62km2, dân số trên 3.000 người, trong đó, trên 75% là người Dao Thanh Phán với nhiều nét đặc sắc về văn hóa, lối sống, tập quán sản xuất cổ truyền vẫn còn lưu giữ được đến ngày nay, trong đó, Ngày hội Kiêng Gió rất độc đáo, hấp dẫn, đã được khôi phục và tổ chức hàng năm. Đồng Văn là một trong 6 xã biên giới của huyện Bình Liêu, với trên 9,5km đường biên giới với Trung Quốc. Xã có 9 thôn, bản, trong đó có 4 bản biên giới. Về hạ tầng, 100% thôn, bản đã có đường ô tô, điện lưới cho trên 80% hộ gia đình, sóng viễn thông về cơ bản đã phủ khắp diện tích xã.
Tiết mục văn nghệ trong Ngày hội Kiêng Gió năm 2018.
Nét độc đáo của Ngày hội Kiêng Gió là ở chỗ vào ngày này, người Dao Thanh Phán sẽ không thực hiện hoạt động sản xuất, không đi nương làm rẫy, không ra ruộng, không cuốc đất... vì họ quan niệm làm bất cứ việc gì thần gió cũng sẽ xô đổ, không có thành quả. Vì vậy, họ tụ tập ở bất kì đâu cùng nhau, nhưng không phải trong nhà của bất kì ai. Địa điểm thường là những nơi thoáng đãng, phong cảnh nên thơ. Không hẹn mà gặp, sau những ngày lao động vất vả, họ được thảnh thơi tâm tình, hát cho nhau nghe những làn điệu Sán Cố, chơi các trò chơi dân gian, bàn tiếp câu chuyện sản xuất của mùa tới... Đặc biệt, những người phụ nữ Dao Thanh Phán vẫn không rời khỏi chiếc kim, chỉ thêu và vạt áo, gấu quần đang thêu dở. Họ thêu bất cứ lúc nào khi đôi tay được rảnh.
Phụ nữ Dao Thanh Phán không rời khỏi chiếc kim,
chỉ thêu và vạt áo, gấu quần đang thêu dở.
Để khai thác, phát triển du lịch Đồng Văn, huyện Bình Liêu đã đầu tư xây dựng hoàn thành tuyến đường giao thông liên bản Sông Moóc và hệ thống điện lưới quốc gia nhằm tạo điều kiện cho du khách đến đây tham quan, khám phá. Huyện cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, mở các tour, tuyến, cải tiến hạ tầng giao thông. Bên cạnh đó, Bình Liêu còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức Hội thảo Du lịch cộng đồng - tiềm năng thế mạnh của xã Đồng Văn, nhằm quảng bá cho du lịch Đồng Văn.
Đang Online: 9
Tổng số truy cập: 505.663