Xuất sắc vượt qua nhiều tác phẩm dự thi khác, bút ký 3 kỳ “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” của Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà (Báo Quân đội Nhân dân) vừa đoạt giải Nhất Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”. Để hiểu thêm về tác phẩm cũng như ý nghĩa của cuộc thi, phóng viên Cổng Thông tin Điện tử Hội Nhà báo Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với tác giả Đặng Thu Hà.
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà (thứ 2 từ trái sang) cùng ba cô giáo là nhân vật trong bút ký “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” (Ảnh: NVCC)
PV: Đến vùng “4 không” (không điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không trạm y tế) để tác nghiệp, chắc chắn khó khăn, thử thách là không ít. Xin chị hãy chia sẻ đôi chút về những khó khăn, thử thách ấy?
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà: Việc tìm thấy 3 nhân vật là cơ duyên trong cuộc đời làm báo của tôi. Trong một lần lên huyện Mù Cang Chải để phản ánh công tác chuẩn bị khai giảng năm học mới của học sinh vùng lũ, sau cơn lũ quét kinh hoàng ập xuống huyện Mù Cang Chải vào cuối tháng 8/2017, tôi được giới thiệu về một vùng “4 không”, đó là bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải - một địa danh ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Yên Bái và cũng là một trong những nơi khó khăn nhất của cả nước. Tôi quyết định đi đến nơi đó, để biết giữa thời đại 4.0 này, cuộc sống ở nơi “4 không” ra sao. Lên đỉnh Lùng Cúng vào đúng mùa mưa nên hành trình hôm đó tôi đi trong cơn mưa xối xả, tầm tã... Khi đi mua ủng để chuẩn bị cho chuyến đi, tôi được người dân “cảnh báo”: “Không ai lên Lùng Cúng vào mùa này cả. Đường khó đi và nguy hiểm, đi làm gì!”, bởi vậy tôi càng quyết tâm đến nơi đó.
Đỉnh Lùng Cúng nằm trong tốp 10 ngọn núi cao nhất Việt Nam (cao gần 3.000m), với những cung đường hiểm trở bậc nhất. Quãng đường tuy chỉ dài 25km, nhưng ngày mưa hôm đó phải mất 5 giờ đồng hồ mới lên tới nơi và số lần đi bộ nhiều hơn số lần được ngồi trên xe máy. Có những đoạn đường chỉ trơ hộc đá lởm chởm khiến người đi cảm giác như đang leo trên vách núi và vực bên cạnh. Có đoạn mặt đường nhỏ hẹp, bị xẻ thành 4, 5 rãnh, trơn trượt như đang đi trên những con lươn, xung quanh mây giăng mịt mùng.... Một may mắn khác là trên đường đi, tôi gặp cô Dương – 1 trong 3 cô giáo trong bài viết của tôi. Hành trình cùng cô lên trường càng khiến tôi cảm nhận rõ hơn về những khó khăn, vất vả mà giáo viên cắm bản đang phải đối mặt.
Quãng đường khó khăn ấy chẳng thấm vào đâu so với cuộc sống ở nơi “4 không” mà các cô giáo ấy đang phải đối mặt hằng ngày. Chứng kiến các cô dạy dỗ, chăm sóc những đứa trẻ người Mông, được theo các cô đi vận động học sinh, cùng các cô ăn bữa cơm đạm bạc và ngồi tâm sự bên bếp lửa bập bùng giữa thời tiết buốt giá của đỉnh núi về đêm rồi tìm hiểu hoàn cảnh, cuộc sống riêng của từng cô, tôi càng khâm phục trước ý chí và cảm động trước tấm lòng nhân ái, sẵn sàng chịu thiệt thòi về mình để mang lại tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ nơi đỉnh núi heo hút này.
Theo tôi, để viết một bài báo, việc thâm nhập thực tế, đối mặt với những khó khăn, thử thách là việc mà hầu hết nhà báo nào cũng muốn làm. Thậm chí nhiều nhà báo còn dấn thân vào chỗ hiểm nguy để có những tác phẩm báo chí phản ánh chân thực về một vấn đề nào đó của xã hội. Những tác phẩm của họ đã tạo nên một tiếng nói mạnh mẽ, làm thay đổi nhiều góc nhìn, góp phần xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Chính những tấm gương của các nhà báo, của những nhân vật mà tôi tiếp xúc khiến tôi thấy mình cần phải nỗ lực làm tốt nhiệm vụ của một phóng viên đối với trách nhiệm mà xã hội đã giao phó.
PV: Tận mắt chứng kiến cuộc sống của cô và trò trên đỉnh cao Lùng Cúng đã để lại trong chị những suy nghĩ gì?
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà: Suy nghĩ đầu tiên của tôi có lẽ là những công việc dù khó khăn đến đâu cũng chỉ có thể thực hiện được bằng tình yêu thương. Sau đó, ta thấy cuộc sống vốn dĩ sinh động, hài hòa và rất đáng yêu nhưng đôi khi lại trở nên gian nan và nhọc nhằn để có những niềm vui giản dị với người dân và cô trò nơi đây. Ở Lùng Cúng, thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào cây táo mèo và thảo quả. Người lớn thường xuyên ở trên nương, trên rừng, có khi họ đi rừng cả tháng mới về, nên trẻ em ở nhà chẳng được ai dạy dỗ, chúng sống theo bản năng là phần nhiều. Những đứa trẻ 8, 9 tuổi trở thành trụ cột trong nhà, giữ em cho mẹ, lo cơm nước. Có đứa trẻ mới chỉ lên 3 mà đã bị bán đi 3 nhà làm con nuôi, khi gia đình đó lấy phước xong, sinh được con, lại bán em đi nhà khác.
Chỉ cần nhìn những đứa trẻ lũn cũn trên những con đường uốn lượn theo bờ ruộng, vượt cái nắng, cái đói, trên chặng đường 5-7km để đến trường, cũng đủ cảm nhận phần nào cuộc sống nhọc nhằn nơi đây. Với tâm trạng hớn hở, hằng ngày bọn trẻ ùa đến lớp như đàn gà con, trên tay cầm theo chiếc cặp lồng cơm mà bố mẹ chuẩn bị sẵn. Họa hoằn lắm, trong chiếc cặp lồng ấy mới xuất hiện một miếng thịt, còn thường chỉ có cơm với chút đường. Đứa nào khá thì có miếng cá khô bằng ngón tay hoặc ít rau xào, thậm chí chỉ có một miếng măng ngâm ớt. Bữa ăn của những đứa trẻ vùng cao chỉ thế thôi, tuyềnh toàng và thiếu thốn như chính cuộc sống của chúng vậy.
Ở vùng đất hoang sơ này, chuyện thuyết phục phụ huynh cho con em đi học không phải là chuyện dễ dàng. Người ta sống đơn giản lắm, đâu cần biết chữ chỉ cần biết hái táo mèo, thảo quả là sống được. Còn những cô giáo trẻ, có lẽ họ cũng đã dần quen với những thiếu thốn, vất vả, đôi lúc là nguy hiểm từ con đường đến trường, đến việc thiếu điện, nước sinh hoạt ở đỉnh núi heo hút này. Nhưng cảm giác sống trong một thế giới riêng khi mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị cắt đứt, dường như vẫn là một thử thách mà họ đang phải cố gắng chống chọi hằng ngày, khi mà nỗi cô đơn, nỗi nhớ nhà, nhớ đứa con thơ hơn 20 tháng tuổi hay đứa con gái 7 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh... vẫn luôn đau đáu trong họ.
Chứng kiến cuộc sống của người dân, của những cô giáo bám bản, tôi chỉ có thể lý giải rằng chỉ có trái tim chan chứa tình thương mới đem lại sức mạnh phi thường để những nữ giáo viên trẻ vững vàng bám trụ ở đỉnh cao Lùng Cúng. Có khi “Cái khó bó cái khôn”, cũng có khi “Cái khó phải “ló” cái khôn” trong điều kiện như Lùng Cúng. Sự sáng tạo của các cô giáo là rất đáng quý, dù điều kiện còn rất hạn chế. Với họ, ước mơ về một ngôi trường khang trang, có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ việc học có lẽ còn xa vời, họ chỉ mong đường sá được cải thiện, học sinh có đủ quần áo và dép đến trường. Tôi hy vọng với ý chí và nghị lực tuyệt vời, 3 cô giáo và các em nhỏ trên điểm trường Lùng Cúng sẽ được sự quan tâm, chia sẻ, động viên nhiều hơn từ những sự sáng tạo và những tấm lòng vàng của đồng bào cả nước, cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước để đường đến trường thật an toàn và bình yên.
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà (bìa phải) là cây bút xông xáo, nhiệt huyết của Báo Quân đội Nhân dân (Ảnh: NVCC)
PV: Theo chị điều gì đã làm nên sự thành công của bút ký “Ba cô giáo trên đỉnh Lùng Cúng” tại Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” năm nay?
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà: Theo tôi tác phẩm đã chọn đúng vấn đề mà xã hội quan tâm, đó là lòng tốt của con người với cộng đồng. Khi đứng trước những việc làm cao đẹp của một ai đó, nhất là họ đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn của bản thân để hết lòng cống hiến cho xã hội, đều dấy lên sự cảm phục và niềm xúc động mạnh mẽ. Đúng như tiêu chí của cuộc thi, tác phẩm đã tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tấm gương hết sức bình dị mà cao quý. Bên cạnh đó, những trải nghiệm thực tế đã được truyền tải trong tác phẩm nên độc giả có lẽ đã cảm nhận được những chi tiết và cảm xúc trong bài viết một cách chân thực và sinh động.
PV: Khi trên mặt báo xuất hiện không ít thông tin giật gân câu khách thì những bài viết đề cao, tôn vinh tấm gương người tốt việc tốt sẽ có tác động như thế nào đến công chúng, thưa chị?
Thiếu tá, nhà báo Đặng Thu Hà: Tôi tin những thông tin tích cực vẫn được công chúng mong chờ đón nhận, để tạo nên niềm yêu đời, sự trân trọng cuộc sống, cũng như lan tỏa được ý chí và sức mạnh vượt khó đến đông đảo người dân. Vì thế, bên cạnh những thông tin phản ánh cuộc sống, chúng ta cần phát hiện những vẻ đẹp lấp lánh trong tâm hồn và ý chí của những con người có công việc vẻ ngoài bình dị nhưng lại có khả năng truyền cảm hứng, động lực và sức mạnh cho những cuộc đời khác. Tôi và các đồng nghiệp, cũng như Ban tổ chức Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý” chỉ là cầu nối để sức mạnh đó được lan tỏa. Tôi hạnh phúc vì điều đó.
PV: Xin trân trọng cám ơn chị./.
Theo: Ngô Khiêm/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN
Đang Online: 21
Tổng số truy cập: 483.756