Trong rất nhiều đề tài nóng bỏng mang hơi thở của cuộc sống thì bảo vệ môi trường sống của chúng ta luôn được các nhà văn, nhà báo quan tâm theo sát và kịp thời có những tuyến bài điều tra, phản ánh, trong đó có cây bút Nguyễn Văn Học, hiện anh đang công tác tại Báo Nhân Dân.
Nhà văn, nhà báo Nguyễn Văn Học trong một lần đi tìm hiểu về môi trường ở miền Tây Nghệ An (Ảnh: NVCC)
Nguyễn Văn Học luôn bận bịu, tất bật với những trang viết. Lúc thấy anh ở trên non cao Yên Bái, lúc thấy anh ở biển đảo Trường Sa. Và sau mỗi chuyến đi ấy, Nguyễn Văn Học lại cần mẫn cho ra những tác phẩm báo chí, văn chương về đề tài môi trường đậm chất bụi bặm và đi vào lòng người. Đó có thể kể đến tiểu thuyết “Vết thương hoa hồng”, tập tản văn “Chạm cốc với dòng sông”, tập ghi chép “Đôi mắt xứ Đoài”, 15 truyện ngắn, 60 phóng sự đã được đăng tải trên các báo. Và sắp tới anh còn ra mắt tập tạp bút “Mình ơi anh cưới dòng sông nhé” và tiểu thuyết “Tiên đã về trời”. Ở tuổi 37, dường như Nguyễn Văn Học đang sung sức với văn chương, báo chí của mình .
Hỏi anh về việc tại sao lại chọn chủ đề này thì được biết do anh đi nhiều nơi, nên anh mới chứng kiến nhiều vẻ đẹp, những giá trị về môi trường, sinh thái mất đi. Anh đau lòng vì thấy trong đó có trách nhiệm của mình, cộng đồng mình đang sinh sống. Anh giãi bày với tôi về việc con người chúng ta đã hủy hoại môi trường một cách khủng khiếp. Từ những người thiếu ý thức, vứt rác bừa bãi ra đường phố đến chuyện hủy hoại một cái cây nơi đô thị, hay lớn hơn là chặt phá một khoảng rừng, đẩy một con sông vào tình trạng ô nhiễm. Rồi quá trình đô thị hóa, dẫn đến khói, bụi, tiếng ồn, diện tích cây xanh bị thu hẹp. Các vùng nông thôn cũng lấp hết ao hồ, kênh rạch. Anh quan tâm đến môi trường, sinh thái, bởi nó quyết định chất lượng sống của con người. Rộng hơn, trên thế giới, áp lực phát triển kinh tế, khoa học, công nghiệp đang đè nặng lên trái đất. Con người đã và đang phải trả giá. Trái đất đang nóng lên từng ngày. Hạn hán, bão lũ, động đất xảy ra ở khắp mọi nơi. Trong đó, ở Việt Nam, những đợt lũ quét và sạt lở đất có tỷ lệ thuận với con số những cánh rừng bị mất.
Anh cho biết mỗi khi đặt bút viết văn, anh nghĩ ngay đến việc truyện ngắn này, hay tiểu thuyết kia sẽ nói gì về môi trường? Anh lại trăn trở, suy nghĩ và hì hục viết vì vốn dĩ ăn chương, báo chí là công việc nhọc nhằn. “Tôi đang sống trên chung cư. Ở đó cũng là mảnh đất cho đề tài văn chương sinh thái, khi đô thị hóa, phát triển theo chiều cao buộc con người phải sống cao hơn, gần bầu trời hơn và cũng có nghĩa là xa mảng xanh. Khi càng xa mặt đất và mảng xanh, thì những gì là thế mạnh của con người đều không thể phát huy tác dụng. Thí dụ ở quê, mất nước ta có thể sang hàng xóm tắm nhờ, điều này ở chung cư là không thể. Ở thôn quê hay ngoại ô, ta có thể trồng cây, chăn nuôi, cấy lúa, không có tiền ta vẫn tồn tại, còn ở chung cư điều này là không thể”, anh trăn trở.
Tập tạp bút “Mình ơi anh cưới dòng sông nhé” của anh sắp được ra mắt công chúng (Ảnh: NVCC)
Nếu nói là anh đang chạy đua với thời gian về chủ đề này thì cũng chẳng sai. Với báo chí, anh cũng nhận ra rằng sức khỏe và độ say nghề của mình sẽ còn không dài. Còn văn chương thì sẽ ngày càng đằm hơn. Được biết sắp tới anh sẽ xuất bản tiểu thuyết “Tiên đã về trời”. Còn tập tạp bút “Mình ơi anh cưới dòng sông nhé” in tại Tp Hồ Chí Minh sắp ra mắt độc giả. Đây là tập tạp bút gồm nhiều bài viết về sông suối, những con sông tôi yêu, với những vẻ đẹp cả ký ức, hiện tại và những nguy cơ. Hay là những ký ức về cánh đồng, những ngôi làng cổ với bóng cổ thụ thâm nghiêm. Anh cho biết mình cũng mới hoàn thành một tập truyện ngắn về Hà Nội. Điều đó thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của anh với mảng đề tài này.
Là nhà báo dấn thân vào mảng đề tài này theo anh khó khăn nhất là điều tra những tiêu cực trong chuyện cơ quan quản lý môi trường lại hủy hoại môi trường. Hay điều tra những lĩnh vực phá hoại môi trường, quản lý khai thác khoáng sản. Ngay trong những ngày giữa tháng 6-2018, anh đã kiên trì thực hiện loạt bài viết về vấn đề khai thác cát trái phép, giải cứu các dòng sông, bờ bãi bị sạt lở. Thực tế thì đây là đề tài không mới, nhưng lúc nào cũng nóng. Các dòng sông bị đào bới khắp nơi, buộc anh phải căng mình ra, điều tra, lấy thông tin, khớp nối các sự kiện để tìm ra kẽ hở của các quy định pháp luật, các cá nhân bất chấp vi phạm vì mối lợi trước mắt. Anh kể mình đã đi Thanh Hóa, vào Nghệ An, đến Khánh Hòa, rồi lại ngược ra Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương… Chứng kiến những bãi bồi, thửa ruộng là bờ xôi ruộng mật của người dân bị sạt lở, trôi sông, hay nhìn những gương mặt sạm nắng phạc phờ vì phải đẩy đuổi “cát tặc”, lòng anh thắt lại. Anh đã trào nước mắt như những ngày thực tế viết bài ở vùng bão lũ, sạt lở đất mà nhà cửa và tài sản của người dân bị cuốn trôi. Với họ, đó là sự mất mát lớn. Với nhà báo, đó là sự thấu cảm, chia sẻ. Bởi anh đã lên tiếng bảo vệ các con sông đang bị tận thu, dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, sạt lở bờ bãi, hoa màu, đồng thời đề xuất những giải pháp về vật liệu thay thế cát sỏi lòng sông.
Nguyễn Văn Học đi thực tế ở sông Thương Bắc Giang (Ảnh: NVCC)
Thú thực như nhiều đồng nghiệp chia sẻ, đó là công việc nhọc nhằn, có thể nguy hiểm đến tính mạng, bởi đứng sau những cỗ máy, những con tàu cuốc khai thác cát sỏi trái phép là những thế lực xã hội đen “chống lưng”. Bọn họ sẵn sàng tìm đủ cách để trả thù, thậm chí bắt trái phép nhà báo trong quá trình tác nghiệp. Cũng may, anh đã được nhà báo Văn Dũng (thường trú báo Nông nghiệp Việt Nam tại Nghệ An) nhiệt tình giúp đỡ, trao đổi nghiệp vụ, nắm bắt thông tin để cùng thực hiện vệt bài.
Đã có nhiều biện pháp đưa ra để bảo vệ bảo vệ môi trường nhưng có lẽ biện pháp hiệu quả và quan trọng nhất là làm thế nào tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức hơn nữa. Tuy nhiên theo anh cách thức tuyên truyền mà nhiều cơ quan đang làm còn quá chung chung, sự vụ, thiếu bền vững và không tạo được nhiều hiệu ứng trong xã hội. Các đánh giá về công tác này cũng chưa thiết thực, bởi nó quá rộng lớn, liên quan đến nhiều ngành.
Anh lý giải một kênh tuyên truyền hiệu quả là những tiêu cực, công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ tài nguyên, khoáng sản… phải được làm rốt ráo hơn, ai vi phạm xử lý nghiêm. Từ đó chia sẻ với cộng đồng thông điệp, rằng tài nguyên là hữu hạn, kể cả tài nguyên không khí, nên cộng đồng chung tay vì môi trường chung.
Bên cạnh đó anh cũng thẳng thắn chỉ ra báo chí cũng nên bỏ bớt chuyện “đánh đấm” về lĩnh vực này, mà cần thông tin chính xác, hiệu quả, có sức lay động bằng nhiều bài viết đầu tư công phu. Ở lĩnh vực văn chương, nên tổ chức nhiều cuộc thi viết văn chương về sinh thái, môi trường, từ đó dựng kịch bản phim những tác phẩm tốt, trình chiếu trong rạp, trên truyền hình, tác động sẽ vô cùng lớn. Sản phẩm truyền thông đó phải được đầu tư công phu, với sự kết hợp của nhiều thành phần, có như vậy mới đạt hiệu quả cao./.
Theo Ngô Khiêm/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo VN
Đang Online: 42
Tổng số truy cập: 483.754