Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt là chuyện chưa bao giờ và không bao giờ cũ. Gần đây tôi thấy một số người nêu chính kiến của mình và lý giải ngữ nghĩa một số từ và cụm từ quen dùng (hoặc mới phát sinh). Đó là điều nên làm. Nhân đây tôi cũng xin góp vài ý kiến nhỏ.
1. Ngôn ngữ của bất cứ một dân tộc nào cũng có sự giao thoa, vay mượn của một ngôn ngữ khác. Đó là điều hiển nhiên.
Tôi lấy ví dụ, người Việt vay mượn một số từ Hán từ lâu đời, đến nay nó đã trở thành ngôn ngữ bản địa. Hay như người Nhật họ vẫn dùng chữ 日本 trong tiếng Trung Quốc để ghi tên nước mình, đó chẳng phải là sự vay mượn sao? Ta cũng vậy. “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hoàn toàn phát âm theo tiếng Hán. Chuyện này là không thể khác được. Ngay cả việc gọi tên một số nước cũng vậy. Vẫn biết Nhật Bản là Japan nhưng người Việt đã quen gọi đất nước mặt trời mọc là Nhật Bản đó thôi. Nước Mỹ là America, Hàn Quốc là Korea nhưng ta vẫn gọi là Mỹ, là Hàn Quốc vậy. Thói quen mà.
Tôi cho rằng những từ ngữ quá quen thuộc mang tính lịch sử lâu đời như vậy nhất thiết không nên thay đổi. Nhất là với những ngôn ngữ đã có sự giao thoa lâu đời như tiếng Việt và tiếng Trung. Ngày nay, ở Việt Nam ta, tôi chắc không ai muốn nghe và đọc tên các vị lãnh đạo Trung Quốc: Mao Trạch Đông là Maozedong, Lưu Thiếu Kỳ là Liushaoqi, Tập Cận Bình là Xíjinping ... dù các nước khác họ không gọi như ta.
Tôi được biết bản thân tiếng Việt cũng còn có những bất hợp lý nhất định, mặc dù đã nhiều lần cố gắng cải tiến, chỉnh sửa nhưng đều không thành công. Như trường hợp một âm “cờ” lại được ghi bằng 3 tự dạng c,k,q chẳng hạn. Có người bảo chỉ cần dùng một ký tự k là đủ. K trong “kông” và “công” thì được, nhưng nếu phải viết chữ “chông” thì viết thế nào? Vậy là không thể bỏ “c” được! Chính vì việc cải cách tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn và bất khả thi nên cuối cùng ta đành chấp nhận. Chắc một số ngôn ngữ khác cũng thế thôi, cũng có sự bất hợp lý nhất định, nhưng họ vẫn phải chấp nhận.
Tất nhiên cũng có những từ ngữ trước đây ta gọi khác , song trong xu thế mới ta cũng phải theo. Chẳng hạn ngày trước ta gọi Singapore là Tân Gia Ba, ngày nay không ai dùng tên ấy nữa. Tokyo cũng vậy (trước là Đông kinh).
2. Có người cho là không nên dùng cụm từ “bê tông hóa” vì nó sai về cách tạo từ. “Hóa” là từ Hán việt phải đi với từ Hán việt, kiểu “hiện đại hóa”, “Âu hóa”, “Việt hóa” v.v, trong khi đó “bê tông” là âm Pháp, không thể có kết cấu “Pháp + Hán” được. Theo đó, ta sẽ không nói “doanh nghiệp siêu nhỏ”, “nhà siêu mỏng”... được. Xét về kết cấu ngữ pháp tiếng Việt thì đúng như vậy. Nhưng, trong trường hợp này tôi cho rằng “hóa” và “siêu” dù là từ Hán nhưng đã dược Việt hóa từ lâu nên suy cho cùng đó cũng vẫn là kết cấu Việt - Việt mà thôi, và chúng ta hoàn toàn chấp nhận được. Tôi nghĩ, trong cách dùng từ ngữ ta nên có sự linh hoạt nhất định. Dễ hiểu, hiểu đúng và duy nhất nội dung của khái niệm là tiêu chí cho sự linh hoạt này. Các cụm từ “hơi bị đẹp”, “đẹp dễ sợ”, “đẹp lồng lộng”... có thể coi là cách dùng từ linh hoạt này - không ai hiểu sai, hiểu ngược nội dung nó chuyển tải. Đương nhiên là ta không khuyến khích, nhưng cũng chẳng nên quá khắt khe. Tất nhiên trong các văn bản chính thống, nghiêm túc thì dứt khoát không được dùng kiểu này. Trong đời sống hiện tại có những từ ngữ mới được tạo ra không theo quy luật ngữ pháp tiếng Việt, nhưng vẫn hiểu đúng thì ta cũng không nên cố chấp làm gì. Ví dụ: có thể dùng “cát tặc” (dù phải là “sa tặc” mới tương xứng với cách tạo từ “lâm tặc”) và dùng “cướp biển” thay cho “hải tặc” sẽ dễ hiểu hơn.
3. Tôi hoàn toàn không có ý tán thành việc dùng từ một cách tùy tiện. Trong quảng cáo thường dùng ngoa ngôn, lộng ngữ đẩy lên đỉnh điểm những đặc tính nào đó mà chủ nhân của sản phẩm muốn quảng bá. Điều đó ít nhiều có thể “thông cảm” được. Tuy nhiên, rất rất không nên lạm dụng, cực đoan, quá lố, ... nó sẽ làm mất đi tính chính xác, sự trong sáng và tinh tế của tiếng Việt. Nếu cái gì cũng “siêu”, cũng “kinh điển”, cũng “hoành tráng”, kiểu “Hạ giá hoành tráng!” như trên một quảng cáo gần đây, hay như “Ngày rực lửa - Giảm giá kinh hoàng” trong Trang Quảng cáo 24 giờ của Siêu thị điện máy - Nội thất Chợ Lớn thì người viết bài này “kinh hoàng” thật sự!
Trọng Phan
Theo Tạp chí Người làm báo Bình Định
Đang Online: 27
Tổng số truy cập: 483.754