TQĐT - Thành phố Tuyên Quang đã xây dựng các sản phẩm, dịch vụ du lịch, mở thêm nhiều tua, tuyến du lịch mới đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng, thăm quan của đông đảo du khách gần xa. Hạ tầng du lịch tiếp tục được quan tâm đầu tư, góp phần tạo diện mạo mới cho thành phố hướng đến mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020.
Một góc thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Quốc Việt
Công tác quy hoạch du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đã được thành phố quan tâm, chú trọng với việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển Cụm du lịch sinh thái núi Dùm - cổng Trời; Quy hoạch khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng soi Tình Húc, phường Hưng Thành; xây dựng các bãi đỗ xe, khu dịch vụ thương mại tại đền Hạ, đền Thượng, đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than, đền Ỷ La, chùa Hương Nghiêm, chùa An Vinh... Đây là tiền đề quan trọng để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển hạ tầng du lịch.
Mới đây, thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bảo tàng tỉnh và các cơ quan liên quan dựng bia ghi dấu sự kiện đối với các di tích lịch sử, di tích lịch sử cách mạng; xây dựng hồ sơ, lập phương án khoanh vùng bảo vệ di tích đã được Nhà nước xếp hạng; tổ chức nghiên cứu sưu tầm tài liệu các di tích; hướng dẫn các xã, phường xây dựng kế hoạch kiểm kê di vật, cổ vật, lập hồ sơ quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Thành phố đã triển khai trùng tu, tôn tạo 4 di tích là đền Ỷ La, đền Hạ, đền Cấm Sơn, chùa Linh Thông; tôn tạo, xây dựng di tích địa điểm thành lập Chi bộ Mỏ than tại phường Minh Xuân…
Thành phố tạo điều kiện, khuyến khích các công ty lữ hành xây dựng các tua, tuyến, du lịch, tập trung quảng bá, xúc tiến du lịch, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn phục vụ du lịch. Thành phố có 6.357 hộ kinh doanh dịch vụ, 50 nhà hàng, 91 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ lưu trú với 1.525 phòng, 2.169 giường, trên 50 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn, trong đó nhiều nhà hàng đã chú trọng tới việc xây dựng thương hiệu, tạo sức hút đối với du khách.
Thành phố Tuyên Quang có 7 công ty lữ hành đang hoạt động đưa, đón phục vụ khách du lịch đến Tuyên Quang. Dịch vụ vận chuyển khách du lịch đã có sự tham gia của doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh và 6 công ty kinh doanh dịch vụ taxi, 1 công ty kinh doanh dịch vụ xe buýt... với các dịch vụ ưu đãi tốt, giá cả hợp lý; 2 điểm du lịch đạt tiêu chuẩn cấp biển hiệu phục vụ khách du lịch là nhà hàng Ba Chữ Lồng, Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang.
Khách du lịch nước ngoài thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng Ba Chữ Lồng, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang).
Việc liên kết tua, tuyến du lịch đã được thành phố triển khai nhằm kết nối các điểm, khu du lịch trên địa bàn. Hiện thành phố có các tuyến du lịch tâm linh: Trung tâm thành phố - đền Hạ, đền Kiếp Bạc - đền Lâm Sơn Linh Từ - đền Thượng - đền Cấm - đền Ghềnh Quýt - đền Cảnh Xanh - đền Mỏ Than - chùa Linh Thông - đền Ỷ La; trung tâm thành phố - Đền Hạ, đền Kiếp Bạc - thành nhà Mạc - chùa Trùng Quang - đền Đồng Xuân - đền Cảnh Xanh - đền Mỏ Than; Trung tâm thành phố - đền Hạ, đền Kiếp Bạc - đền Quang Kiều - chùa An Vinh - đền Cấm Sơn - thành nhà Bầu - bến Bình Ca - chùa Hương Nghiêm.
Tua du lịch danh lam thắng cảnh, công trình kiến trúc kết hợp mua sắm: Quảng trường Nguyễn Tất Thành - đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh - thành nhà Mạc - công viên hồ Tân Quang - Bảo tàng tỉnh - chợ Tam Cờ - Siêu thị Tuyên Quang - Siêu thị Vũ Công - Trung tâm thương mại, siêu thị Vincom Shophouse Tuyên Quang. Tua du lịch lễ hội xuân đầu năm như: Lễ hội chùa Hương Nghiêm - Hội đua thuyền trên sông Lô; Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La; tua du lịch tham gia các hoạt động Lễ hội Thành Tuyên...
Hạ tầng du lịch, dịch vụ được quan tâm đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến với thành phố. Năm 2016, thu hút 394.000 lượt khách; năm 2017, thu hút 530.000 lượt; năm 2018, thu hút 620.000 lượt khách, doanh thu xã hội từ du lịch 527 tỷ đồng. Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thời gian tới, thành phố Tuyên Quang tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, nhất là chỉnh trang các tuyến phố, hình thành các khu đô thị mới; phối hợp với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành thương hiệu cấp vùng; đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ, tạo dấu ấn thu hút du khách.
Bài, ảnh: Thùy Linh
TQĐT
Đang Online: 8
Tổng số truy cập: 505.663