Nhiều lần gặp nhà báo Tấn An - Đài PT-TH Quảng Ngãi trong dịp ra Hà Nội nhận giải báo chí, tôi cảm nhận ở anh là một con người sống tình cảm, bình dị, luôn hết lòng vì đồng nghiệp và bạn bè.
Mặc dù giành được không ít giải thưởng nhưng nhà báo Tấn An vẫn luôn ý thức rằng, với nghề viết bất cứ lúc nào cũng cần phải nỗ lực hơn để phục vụ tốt nhất nhu cầu của công chúng.
1. Tôi nhớ anh đã say sưa kể cho tôi nghe về một tác phẩm mà anh rất tâm đắc, với những kinh nghiệm lựa chọn đề tài, xây dựng tác phẩm và đoạt giải báo chí. Đó là phóng sự phát thanh “Thông điệp hòa bình ở Mỹ Lai” đã giành giải Nhất - Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại năm 2017 và Giải C- Giải Báo chí Quốc gia năm 2017. Anh bảo, mình may mắn sinh ra và lớn lên trên dải đất miền Trung cát trắng, với đầy nắng và gió, trong đó có địa danh Mỹ Lai đã đi vào lịch sử đau thương, bi hùng của dân tộc. Ngày ngày đi về, chứng kiến rõ sự đổi thay trong suy nghĩ của người dân Mỹ Lai và sự hồi sinh, phát triển nơi đây sau khi đất nước được hòa bình nên anh cùng nhóm tác giả đã có chút thuận lợi hơn so với các nhà báo ở nơi khác.
Điều đặc biệt, thường thì người ta hay lấy năm chẵn để làm lễ tưởng niệm lớn nhưng nhóm tác giả lại thực hiện tác phẩm vào dịp kỷ niệm 49 năm ngày cuộc thảm sát đẫm máu ở Mỹ Lai. Theo giải thích của anh thì nếu để rơi vào năm 2018, tức là tròn 50 năm tưởng niệm vụ thảm sát thì sự kiện này sẽ được các cơ quan báo, đài Trung ương và quốc tế chú ý nhiều hơn. Tuy nhiên, khi mà có quá nhiều cơ quan báo chí, truyền thông của Trung ương, quốc tế cùng chú ý vào một sự kiện thì biết đâu họ cũng sẽ có ý tưởng giống mình để triển khai xây dựng tác phẩm. Và chắc chắn là các cơ quan báo, đài Trung ương và quốc tế sẽ có nhiều lợi thế hơn trong việc tiếp cận nhân vật cũng như xây dựng tác phẩm. Khi ấy, dù có gửi tác phẩm tham gia giải thưởng ở cấp quốc gia thì mình cũng khó vượt qua được các báo, đài lớn.
Nhưng quả thực, suốt 49 năm qua (kể từ năm 2017) đã có rất nhiều các cơ quan báo chí phản ánh sự kiện thảm sát ở Mỹ Lai. Vì vậy muốn thành công, theo anh tác phẩm này đã mang một thông điệp hết sức nhân văn, đó là thông điệp hòa bình. Đối với một quốc gia đã phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu để giành được độc lập, hòa bình như đất nước Việt Nam thì giá trị của hòa bình thật lớn lao và thiêng liêng vô cùng. Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, vấn đề hòa bình, độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, luôn được các quốc gia đặc biệt quan tâm.
Theo anh, khó khăn lớn nhất khi thực hiện tác phẩm này đó chính là phần âm nhạc. Thông thường, với một tác phẩm phát thanh, lâu nay chúng ta chỉ chú ý đến tiếng động mà chưa thật sự chú trọng đến phần âm nhạc. Rất thú vị là khi anh đưa kịch bản cho bạn kỹ thuật viên âm thanh, vừa đọc xong, bạn ấy nói ngay: “Nhạc của tác phẩm sẽ đi từ hướng buồn, tưởng vọng, êm đềm đến rộn rã, tươi vui, lấy âm điệu của vĩ cầm (violon) làm chủ đạo”. “Quả thật, bạn ấy đọc và nói ra suy nghĩ của tôi còn nhanh hơn chính bản thân tôi. Bởi, ý tưởng này sẽ khiến thính giả nhớ đến bộ phim tài liệu “Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai” của đạo diễn nổi tiếng Trần Văn Thủy đã được giải thưởng phim ngắn hay nhất tại Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương cách đây gần 30 năm. Đấy cũng chính là dụng ý mà nhóm tác giả muốn thu hút thính giả. Do vậy, ngay từ lúc ấy, tôi đã không xem bạn ấy là người hỗ trợ phần nhạc cho mình mà ngược lại, tôi mới là người hỗ trợ bạn ấy để cùng hoàn thành tác phẩm”, nhà báo Tấn An cho biết.
Trong câu chuyện với tôi, anh đã nhắc về phóng viên chiến trường Ronald Haeberle (Mỹ) – người đã đưa sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai ra ánh sáng. Ông tâm niệm rằng: “Một khi sự thật lịch sử mất đi thì tính nhân văn cũng không còn”. Chính tâm niệm này cùng với bổn phận, trách nhiệm, lương tâm nghề nghiệp của một nhà báo, Ronald Haeberle quyết định công bố sự thật về vụ thảm sát Mỹ Lai vào ngày 16/3/1968. Đó là một quyết định không hề dễ dàng với ông. Bởi khi ấy, Ronald Haeberle phục vụ cho quân đội Mỹ. Đưa bộ ảnh ra ánh sáng nghĩa là ông sẵn sàng đón nhận sự trừng phạt có thể đến với mình. Vì vậy, Tấn An cho rằng không cứ gì ở Mỹ Lai mà với một đất nước phải chấp nhận đánh đổi, mất mát rất nhiều để giành được hòa bình như ngày hôm nay thì ở bất cứ nơi đâu trên dải đất hình chữ S này cũng chứa đựng tín hiệu hòa bình. Công việc của người làm báo là phải tiếp nhận nó và truyền thông điệp này rộng rãi ra quốc tế để cùng nhau xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển.
2. Thế rồi dịp gần đây, cái tên Tấn An lại được xướng tên cùng nhóm tác giả của phóng sự phát thanh Đảng viên nơi “đầu sóng ngọn gió” nhận Giải C - Giải Báo chí toàn quốc về Xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ III- năm 2018. Đó là một đề tài khá mới mẻ và có thể nói rất ít cơ quan báo chí phản ánh. Nơi “đầu sóng ngọn gió” đảng viên ngư dân là những “cánh sóng cả” kết nối chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, đồng thời tiên phong trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo nhà báo Tấn An, thực tế hiện nay đảng viên là ngư dân ở Quảng Ngãi đang gặp một số khó khăn trong sinh hoạt cũng như trong công tác phát triển Đảng. Chính vì chưa có các quy định đặc thù riêng cho công tác phát triển Đảng là ngư dân, chưa thành lập Chi bộ trên biển, nên số đảng viên là ngư dân ở Quảng Ngãi rất ít. Từ ý tưởng đó, anh cùng nhóm tác giả đã thực hiện phóng sự Đảng viên nơi “đầu sóng ngọn gió” gồm 3 kỳ (kỳ 1: “Dấu ấn của đảng viên nơi đầu sóng ngọn gió”, kỳ 2: “Cái khó của đảng viên nơi đầu sóng ngọn gió”, kỳ 3: “Gỡ khó cho đảng viên nơi đầu sóng ngọn gió”). Loạt phóng sự ghi nhận những đóng góp của đảng viên ngư dân, đề cập đến những cái khó của đảng viên là ngư dân và đề xuất những cách tháo gỡ khó khăn này bằng cách thành lập Chi bộ trên biển.
Khi lựa chọn đề tài đảng viên ngư dân, Tấn An cùng nhóm tác giả muốn góp những ý kiến đề xuất để Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương có biển sớm có những chủ trương phù hợp, các hướng dẫn cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho đảng viên ngư dân sinh hoạt cũng như phát triển đảng là ngư dân, một lực lượng quan trọng nhưng lâu nay dường như nhiều địa phương có biển lại lãng quên.
Có một điều đặc biệt là những tác phẩm mà Tấn An được giải cao đều thuộc loại hình phát thanh. Bởi vì, anh cảm thấy mình có chút ít lợi thế hơn về loại hình phát thanh khi Đài PT-TH Quảng Ngãi có 2 phòng Thời sự. Đó là phòng Thời sự Phát thanh và Thời sự Truyền hình tách riêng, chứ không nhập chung như các Đài khác. “Chúng tôi độc lập hình thành ý tưởng, thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân vật và xây dựng tác phẩm. Đó cũng cũng là một nét đặc trưng mà Đài PT-TH Quảng Ngãi đã duy trì trong nhiều năm qua”, nhà báo Tấn An cho biết thêm.
Tôi nhớ trong cuộc trò chuyện, anh nhấn mạnh việc mình còn trẻ nên cứ làm việc cố gắng, nỗ lực hết sức rồi thành quả sẽ được công chúng ghi nhận. Và tôi hiểu anh đang nồng cháy với tình yêu nghề báo bằng phương châm hết sức thấm thía ấy.
Theo Hà Linh/ Công luận
Đang Online: 3
Tổng số truy cập: 508.114