Báo chí hai nước Việt Nam - Lào đều có chung nhiệm vụ là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, định hướng dư luận, là diễn đàn của nhân dân, là phương tiện thông tin thiết yếu trong đời sống xã hội của hai nước.
Nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn
Trong môi trường truyền thông hiện đại, để làm tốt vai trò và sứ mệnh cao cả đó, báo chí hai nước Việt - Lào tiếp tục đổi mới về tư duy tiếp cận công nghệ, phương thức làm báo hiện tại, khi phải đối mặt với thách thức từ mạng xã hội và sự thay đổi về nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng. Mối quan hệ báo chí Việt - Lào
Quan hệ hữu nghị Việt - Lào là mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện. Đó là mối quan hệ phát triển bền vững, do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đặt nền móng. Trong sâu thẳm tiềm thức của mỗi người Việt Nam và nhiều người dân Lào luôn khắc sâu lời dặn của Bác, “Việt - Lào hai nước chúng ta / Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”. Trong bối cảnh đó, báo chí Việt - Lào có vai trò đặc biệt trong sự phát triển mối quan hệ giữa hai nước và là tác nhân, động lực to lớn góp phần thúc đẩy xã hội phát triển bền vững trên mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa,...
Hiện nay, báo chí hai nước Việt - Lào đều tập trung phản ánh các vấn đề về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi nước; Định hướng dư luận, là diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với mọi người dân; Những thành công đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần nâng cao dân trí, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước; Phản ánh các vấn đề lớn và nhạy cảm trên thế giới như xung đột chính trị, quân sự và an ninh, tăng trưởng kinh tế, biến đổi khí hậu, môi trường toàn cầu... phù hợp với lợi ích của dân tộc. Tuy nhiên, kỷ nguyên số, báo chí hai nước Việt - Lào đang đối mặt với nhiều thách thức từ mạng xã hội, sự thay đổi nhu cầu về tiếp nhận thông tin của công chúng trong môi trường truyền thông số.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Hồng Sơn
Đối diện với thách thức
Bên cạnh những lợi ích không thể phủ nhận đối với sự phát triển xã hội và cộng đồng, truyền thông xã hội cũng tạo ra nhiều hệ luỵ cho hoạt động báo chí, khiến báo chí truyền thống mất dần vị thế “độc tôn” trong việc cung cấp thông tin tới công chúng.
Với xu thế hội nhập nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, báo chí không thể tách rời mà luôn đồng hành cùng sự phát triển của truyền thông số, đặc biệt trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ mạng xã hội đã tạo ra thách thức không nhỏ cho những người làm báo của hai nước. Kỷ nguyên truyền thông số tác động trực tiếp và làm thay đổi toàn bộ “ngành công nghiệp tri thức”. Từ cách báo chí tiếp cận thị trường, quá trình và cách thức in ấn, phát hành báo chí cho tới phương thức đọc và tiếp nhận của độc giả...
Hiện nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại một số cơ quan báo chí chưa đáp ứng kịp nhu cầu tiếp nhận thông tin của độc giả; Thiếu đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; Phát triển báo chí chưa đi đôi với quản lý theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, hiệu quả đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân; Chưa kết hợp chặt chẽ giữa các loại hình báo chí và phát huy lợi thế các phương tiện, dịch vụ thông tin Internet để chuyển tải các thông tin chính thống, có định hướng, tăng diện bao phủ trong nước và quốc tế, từ đó hạn chế ảnh hưởng tiêu cực và bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng...
Đẩy mạnh hợp tác báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu trao quà lưu niệm cho Hội Nhà báo Lào. Ảnh: Hồng Sơn
Vượt qua thách thức
Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo Lào có truyền thống đoàn kết, hợp tác hữu nghị và hợp tác trong khuôn khổ tổ chức Liên đoàn các nhà báo ASEAN. Cùng với việc cử các đoàn nhà báo giao lưu và học tập kinh nghiệm lẫn nhau, hai Hội cũng đã hợp tác đào tạo nghiệp vụ báo chí, nâng cao tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp cho các nhà báo của hai nước. Nắm bắt và tiếp cận báo chí đa phương tiện, bắt kịp xu hướng phát triển báo chí hiện đại trong khu vực và thế giới, ngày 26/7/2019, hai Hội Nhà báo Việt Nam - Lào đã phối hợp tổ chức Hội thảo báo chí quốc tế “Báo chí Việt - Lào trong kỷ nguyên truyền thông số”. Đây là hoạt động nghiệp vụ có ý nghĩa thiết thực đối với các nhà báo hai nước. “Làm báo như thế nào trong kỷ nguyên truyền thông số” là nội dung chính mà thông qua 26 tham luận tại cuộc hội thảo, các nhà báo của hai nước đã đề cập dưới nhiều góc độ khác nhau.
Thực tế, trong thời kỳ công nghệ phát triển nhanh và mạnh mẽ như hiện nay, những người làm báo hai nước đều nhận ra thách thức đó và đang từng bước cố gắng thích ứng, tìm giải pháp vươn lên để không bị tụt hậu. Nhiều cơ quan báo chí bằng nỗ lực vượt qua khó khăn, cho thấy có sự đổi mới rõ rệt. Các sản phẩm báo chí chính thống đã đến được với bạn đọc, người xem, người nghe thông qua mạng xã hội và các phương tiện truyền thông mới.
Bên cạnh những mặt trái của mạng xã hội như nạn đưa tin giả, các cơ quan báo chí hai nước cũng có những bài viết phản biện chính xác, trung thực, sâu sắc và kịp thời. Đó là cơ hội tốt để báo chí hai nước đến với công chúng, tạo thêm niềm tin cho người đọc, người xem và người nghe.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, báo chí hai nước cần tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật hiện đại. Chuẩn bị đầy đủ và năng lực chuyển dần sang in ấn, phát hành báo chí số. Tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của độc giả. Kết hợp hài hoà giữa phát triển thị trường báo điện tử và dịch vụ in ấn với thị trường báo in truyền thống. Xây dựng môi trường pháp lý và tăng cường quản lý Nhà nước.
Trong một thế giới ngày càng hội nhập sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, công tác quản lý Nhà nước cần được tăng cường hơn bao giờ hết, đặc biệt về tính định hướng, khả năng dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm bản quyền. Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, có tính chiến đấu và phẩm chất cách mạng.
Làm báo trong kỷ nguyên truyền thông số đòi hỏi phải nhanh, chính xác, khoa học, nhân văn, trách nhiệm, tính chuyên môn cao và đạo đức nghề nghiệp. Đó là những phẩm chất cốt lõi của nhà báo, là những thứ mà không thể có công nghệ hay máy móc nào có thể thay thế được. Và quan trọng hơn cả là các cơ quan báo chí hai nước Việt Nam và Lào phải có định hướng và đào tạo đội ngũ những người làm báo đạt được các tiêu chí đó./.
Hồng Sơn
Nguồn tin: theo nguoilambao.vn
Đang Online: 43
Tổng số truy cập: 483.754