Sáng 4/9 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Hiệp hội các Nhà đầu tư Công trình giao thông đường bộ Việt Nam tổ chức Hội thảo “Truyền thông về hạ tầng giao thông: Nhìn nhận và định hướng”. Ông Hồ Quang Lợi và ông Trần Chủng đồng chủ trì Hội thảo này.
Tham dự Hội thảo có ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội, ông Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, ông Mai Đức Lộc - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. Cùng dự Hội thảo còn có đại diện các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, các Bộ, Ban, ngành của Trung ương, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ, lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Hội, đại diện Hội nhà báo các tỉnh, Thành phố trong cả nước, các ngân hàng cùng các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, các cơ quan báo chí truyền thông...
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã dành sự quan tâm lớn cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh, phát triển các lĩnh vực đời sống xã hội... Nhiều công trình hiện đại được đầu tư xây dựng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần tạo diện mạo mới cho đất nước. Ngoài nguồn lực của Nhà nước, nguồn vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã và đang mở rộng sự tham gia của toàn xã hội, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp vào các dự án giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị mới và đóng góp tự nguyện của nhân dân vào phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn. Các hình thức đầu tư, xây dựng, vận hành, kinh doanh được đa dạng hoá, mở rộng. Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, lạc hậu, thiếu đồng bộ, được coi là “điểm nghẽn” của quá trình phát triển. Trong công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực hạ tầng giao thông, báo chí có vai trò quan trọng, vừa tuyên truyền, phổ biến, phản ánh thực tiễn sinh động, vừa giám sát và phản biện chủ trương, chính sách, vừa là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực, báo chí cũng còn gặp những khó khăn, những bất cập, hạn chế trong công tác “tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong xã hội để mọi người dân ủng hộ và chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng”. Đây là Hội thảo có nội dung rộng, có ý nghĩa quan trọng, không chỉ đối với hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hoạt động hợp tác công - tư (PPP); mà còn hết sức thiết thực đối với các cơ quan báo chí, trong việc tiếp cận thông tin, nâng cao kiến thức, góp phần nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí về lĩnh vực này.
Với mục đích tiếp tục khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân; tạo điều kiện để các cơ quan nhà nước, nhà đầu tư, các đối tác, trong việc cung cấp thông tin cho báo chí về các dự án hạ tầng giao thông, giúp báo chí thực hiện tốt vai trò và nhiệm vụ phản ánh kịp thời những thành tựu, cũng như những bất cập trong thực tiễn; từ đó cơ quan quản lý nhà nước có căn cứ điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, Hội thảo đã nhận được nhiều đóng góp thông qua các bản tham luận cùng ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý.
Ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam và Ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.
Theo ông PGS. TS Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam. Trong thời gian qua, BOT đã được bàn luận rất nhiều tại nghị trường của các cơ quan nhà nước, hội thảo của các cơ quan, tổ chức và đặc biệt là trên các phương tiện truyền thông tạo nên tâm điểm dư luận xã hội. Trong đó nhiều ý kiến, tham luận, tác phẩm báo chí đã “mổ, xẻ” một phần, góp phần cảnh báo, chấn chỉnh, ngăn chặn những khuyến khuyết, yếu kém trong việc đầu tư theo hình thức BOT. Bên cạnh đó cũng không ít phát biểu, tham luận, bài báo thiếu trách nhiệm, chỉ cốt để “tạo hình ảnh, gây ấn tượng” tạo nên luồng dư luận ngược chiều với chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước và từ đó vô hình gây lên phản ứng, phản kháng, làm vơi đi niềm tin của dân chúng đối với việc đầu tư hạ tầng giao thông. theo hình thức BOT. Tồn tại và bất cập về BOT hiện tại có khá nhiều. Nhưng nguyên nhân thì chưa được chỉ ra cụ thể, rõ ràng.
Với tham luận “Đánh giá hiệu quả các dự án BOT thông qua kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước”, đại diện cơ quan Kiểm toán nhà nước đã đưa ra các kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao chất lượng đầu tư để các dự án BOT đảm bảo hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Đại diện kiểm toán nhà nước cũng mong muốn, Nhà nước nên tạo môi trường thuận lợi khuyến khích nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án BOT, nhất là một số lĩnh vực khó khăn mang lại lợi nhuận thấp như: đường sắt, đường thủy… Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về thực hiện dự án BOT; Tăng cường công tác lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức đấu thầu rộng rãi. Bên cạnh đó cũng cần quy định và ràng buộc nhà đầu tư phải thực hiện theo các quy định của Nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện dự án BOT cũng nhưng quy định về lựa chọn nhà thầu, quản lý chi phí; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các dự án BOT ngay từ khi lập, thẩm tra dự án, phê duyệt phương án tài chính, lựa chọn nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần có cơ chế giám sát của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án cũng như trong quá trình vận hành khai thác của Nhà đầu tư, tránh tình trạng lạm thu và giấu doanh thu thu phí.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả
Từ thực tiễn của quá trình triển khai nhiều dự án hạ tầng giao thông như: hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông, mở rộng hầm Hải Vân, QL1 đoạn qua tỉnh Khánh Hòa, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Hữu Nghị - Chi Lăng… Đặc biệt, Tập đoàn Đèo Cả đang tham gia tháo gỡ các vướng mắc kéo dài của Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để sớm thông tuyến vào năm 2020 và khánh thành năm 2021 theo chỉ đạo của Chính phủ. Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả nêu ra 6 kiến nghị nhằm sớm tháo gỡ những bất cập, rào cản để các nhà đầu tư yên tâm thực hiện dự án.
Một là, đối với cơ chế chính sách. Chính phủ cần giao cho các Bộ, ngành thống kê, đánh giá tổng thể việc thu hút đầu tư sử dụng vốn vay ưu đãi ODA trong thời gian 25 năm qua và so sánh về kinh tế xã hội việc sử dụng vốn nhà nước kết hợp với vốn tư nhân (PPP) trong thời gian 10 năm qua. Từ đó định hướng phát triển và xây dựng cơ chế chính sánh đầu tư PPP kết hợp với ban hành các chính sách cho các ngân hàng trong nước khi đồng hành cho vay các dự án phát triển kết cấu hạ tầng hiện nay. Chính phủ sớm xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật PPP để có hành lang pháp lý, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư và ngân hàng tham gia thực hiện dự án.
Hai là, đối với cơ quan nhà nước. Đề nghị cơ quan nhà nước ứng xử với các nhà đầu tư như một đối tác thực sự công bằng, tuân thủ hợp đồng và xử lý xung đột qua đàm phán, tránh đơn phương đưa ra các văn bản hành chính, hồi tố lại các hợp đồng đã ký gây bất lợi cho dự án và doanh nghiệp. Trường hợp phát sinh yếu tố bất khả kháng, cần thương thảo và thống nhất với các thành phần liên quan là ngân hàng, cổ đông, nhà đầu tư cùng đồng lòng kiến nghị với Thủ tướng, quốc hội từng bước tháo gỡ. Phân cấp để địa phương thực hiện chức năng cơ quan nhà nước có thẩm quyền để dễ tháo gỡ các vướng mắc, nhất là công tác GPMB, giá vật liệu, thu phí... Bộ GTVT cần thực hiện chức năng của Bộ chuyên ngành và quản lý nhà nước.
Ba là, đối với Ngân hàng. Chúng tôi luôn yêu cầu đánh giá lại các lợi ích về lợi nhuận đã thu từ các dự án BOT cho vay và trách nhiệm chung đối với hạ tầng giao thông đất nước để cùng nhau xác định trách nhiệm chia sẻ các rủi ro khi dự án vướng mắc và có cùng tiếng nói với các nhà đầu tư với cơ công quyền nhằm tháo gỡ các vướng mắc cơ chế bất cập hiện nay. Trong trường hợp nhà nước yêu cầu nhà đầu tư thay đổi hợp đồng dự án dẫn đến hợp đồng tín dụng bất lợi, đề nghị ngân hàng phối hợp cần tổng hợp các khó khăn vướng mắc cơ chế chính sách trình Quốc hội, Chính phủ xem xét cùng tháo gỡ đồng bộ thông qua việc xây dựng điều chỉnh chính sách vĩ mô.
Bốn là, đối với các cơ quan kiểm tra, giám sát. Cần công tâm để đánh giá các sai sót của dự án không chỉ là khối lượng, giá trị, thủ tục pháp lý mà cần đánh giá tổng thể việc cam kết của nhà nước không được đảm bảo dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp. Cần đo lường được các lợi ích, hiệu quả từ dự án mang lại, từ đó có đánh giá khách quan về việc triển khai dự án, từ đó thông tin để cộng đồng xã hội có nhận thức đầy đủ về lĩnh vực PPP. Việc kiểm tra, giám sát, điều tra phải vì mục tiêu chung là hỗ trợ thúc đẩy dự án, tránh việc gia tăng áp lực khi dự án đang gặp phải những khó khăn. Các bên cần cùng nhau hội thảo các chuyên đề về hình thức đầu tư PPP nhằm biết rõ nguồn vốn, dòng tiền vào dự án qua đó xác định tổng mức đầu tư khác với tổng vốn đầu tư, đặc biệt là xác định nhà đầu tư và nhà thầu khác nhau.
Năm là, đối với truyền thông. Bên cạnh việc thông tin các mặt tồn tại của các dự án để điều chỉnh phù hợp, các cơ quan truyền thông cần đồng hành với dự án để thông tin đầy đủ về quá trình triển khai, những khó khăn gặp phải, phản ánh tiếng nói của nhà đầu tư, biểu dương những kết quả tích cực để cộng đồng xã hội hiểu và chia sẻ với các bên liên quan. Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam cần đẩy mạnh vai trò kiểm tra hoạt động tác nghiệp của phóng viên, tránh tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”.
Sáu là, đối với người dân. Cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được việc đầu tư theo hình thức BOT trong bối cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn là chính sách đúng đắn của Đảng và nhà nước. Từ đó, người dân có cái nhìn khách quan đối với các dự án BOT hiện nay và yêu cầu họ tuân thủ luật pháp. Trong bối cảnh hiện nay của đất nước cần xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, người dân hãy cùng chia sẻ với những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước. Thông qua các tổ chức đoàn thể, Đảng bộ trong doanh nghiêp, Ban Dân vận, cơ quan truyền thông... tổ chức hội thảo để chia sẻ, đối thoại nhằm cung cấp thông tin trung thực, từng bước tháo gỡ vướng mắc cơ chế chính sách và thượng tôn pháp luật. Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Trung Lương - Mỹ Thuận là các Dự án phức tạp, khi thực hiện chúng tôi đã phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Nhưng với niềm tin của người dân, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhà nước khi kịp thời điều chỉnh các bất cập, khi thông tin tuyên truyền của cơ quan truyền thông chính xác, khi ý thức trách nhiệm của các bên liên quan đến Dự án được nâng cao thì chúng tôi đã có thêm nguồn động viên, khích lệ để vượt qua các khó khăn và thực hiện hoàn thành các Dự án.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu đầu tư nguồn lực cho kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn. Một trong những giải pháo để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông chính là PPP. Trên thực tế, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này trong quá trình phát triển đất nước, trong đó phải kể đến Nhật Bản và Hàn Quốc. Hiện nay, chúng ta đang đặt ra mục tiêu phát triển đất nước, nên rất cần huy động vốn từ các khu vực ngoài nhà nước bởi trên thực tế ngân sách nhà nước hiện nay chỉ đảm bảo 50% vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông”.
Ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội phát biểu
Tại Hội nghị, ông Lưu Bình Nhưỡng - Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội nhấn mạnh, cần phải minh bạch trong các vấn đề về BOT, đảm bảo không chỉ lợi ích vật chất mà còn là lợi ích tinh thần cho cả phía Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Giải pháp tiếp tục kêu gọi tư nhân đầu tư thông qua hình thức PPP là tất yếu, không chỉ đầu tư đường bộ mà còn phải đầu tư cả đường biển, đường sông và đường sắt.
Về phía Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, ông Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội mong muốn, cần sớm có Luật về PPP. Trong đó qui định rõ về công tác công bố dự án, lựa chọn nhà đầu tư một cách minh bạch. Xây dựng và tôn trọng nguyên tắc quản lý đầu tư theo phương thức PPP trong đó đặc biệt các quy định về quản lý sử dụng vốn đầu tư.
Phát biểu bế mạc, ông Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, tại Hội thảo này, đã có hơn 10 bài tham luận, ý kiến và 4 phim được trình chiếu. Tất cả những bài tham luận, ý kiến phát biểu, các thước phim sống động và các bài báo trong khuôn khổ của Hội thảo đã phản ánh quyết tâm, trách nhiệm cao của Ban chỉ đạo, Ban tổ chức, các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà báo, nhà đầu tư về một vấn đề quan trong đang là thời sự nóng bỏng của cả nước. Giá trị các tham luận, các ý kiến phát biểu không chỉ là các luận cứ khoa học, nhằm chứng minh làm rõ vấn đề mà còn có giá trị thực tiễn rất lớn. Từ tiếng nói của người trong cuộc, của các nhà quản lý, các nhà đầu tư, các chuyên gia, những người nhiều năm trăn trở với lĩnh vực hạ tầng giao thông đất nước và những dẫn chứng thuyết phục của cơ quan kiểm toán, ngân hàng đã phản ánh khá toàn diện, chân thực mô hình BOT của cả nước. Qua đó giới báo chí truyền thông nhìn nhận được thực trạng, nhìn lại chính mình để làm tốt hơn vai trò của báo chí là xóa bỏ sự nhìn nhận thiên lệch và định kiến trong một bộ phạn của cộng đồng xã hội về BOT.
Hồng Hà/ Cổng TTĐT Hội Nhà báo Việt Nam
Đang Online: 27
Tổng số truy cập: 483.756