Một trong những đích đến của chuyển đổi số báo chí là báo chí số. Bài viết làm rõ một số vấn đề lý luận về báo chí số, phân tích các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí số ở Việt Nam hiện nay, từ đó đề xuất một số kiến nghị giúp tạo điều kiện thuận lợi để phát triển báo chí số trong thời gian tới.
Báo chí số: Khái niệm, đặc điểm, mô hình, phân loại
Báo chí số (digital journalism) là loại hình báo chí “sử dụng công nghệ số vận hành, đồng thời sáng tạo nội dung, sản xuất các dòng sản phẩm số, kinh doanh, phát hành trên các nền tảng số, trong một hệ sinh thái số”1.
Khác với tác phẩm báo chí truyền thống, tác phẩm báo chí số có những đặc điểm sau:
Một là, tác phẩm, sản phẩm báo chí số là thông điệp truyền thông đa phương tiện, trong đó việc mã hóa và giải mã được thực hiện dựa trên sự kết hợp của nhiều phương tiện.
Hai là, sáng tạo tác phẩm và sản xuất sản phẩm dựa trên dữ liệu số: Thông tin cần được số hóa, phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số, được sử dụng thông qua mạng máy tính và môi trường truyền dẫn internet chất lượng cao. Sau quá trình phân tích, xử lý, dữ liệu đầu ra luôn được đồng bộ hóa.
Ba là, tác phẩm, sản phẩm báo chí số gắn liền với công nghệ số, luôn “sống” trong hệ sinh thái truyền thông số. Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh: “Digital đã trở nên quá quan trọng tới mức xóa nhòa biên giới giữa báo chí và công nghệ. Để phát triển, các cơ quan báo chí không có cách nào khác là phải tiếp tục đặt công nghệ ở trung tâm của mọi chiến lược, sử dụng công nghệ để tạo ra những nội dung hấp dẫn và chinh phục được những nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và kiếm tiền được nhiều hơn”2.
Bốn là, báo chí số chỉ có thể vận hành trong hệ sinh thái số được xây dựng trên cơ sở 5 thành phần: Phần cứng (hardware), phần mềm (software), mạng lưới (network), các dịch vụ (services), nội dung (content).
Báo chí số mang đặc tính của báo chí trên nền tảng số và báo chí đa phương tiện, bao gồm: Tính thời gian thực, tính tương tác, tính đồng bộ trên nền tảng số và trong hệ sinh thái số. Đặc tính này tạo ra sự khác biệt giữa báo chí số và các loại hình báo chí truyền thống, trọng tâm là công nghệ số - công cụ số - công chúng số.
Mô hình dưới đây mô tả các thành tố và mối quan hệ giữa các thành tổ của báo chí số.
Báo chí số bao gồm các thành tố: Nhà báo/ robot, nội dung số, nền tảng số, công cụ số, công chúng số; hoạt động trên cơ sở liệu lớn và các chương trình tương tác, vận hành trong hệ sinh thái số.
Nhà báo/robot: là nguồn phát của báo chí số. Chủ thể báo chí số có quyền tạo và xuất bản nội dung, tương tác với công chúng qua các bình luận hay live chat. Nhờ trí tuệ nhân tạo (AI) mà robot có thể trở thành chủ thể báo chí số. Sự tham gia của robot và các công cụ số khác giúp chủ thể sáng tạo nội dung số có cả chức năng nhận thông điệp, phân tích thông điệp, xây dựng nội dung và tạo tương tác.
Công chúng số: Là nhóm đối tượng có năng lực sử dụng kỹ thuật và công nghệ, các nền tảng số, chủ động trong tiếp cận và tiếp nhận thông tin, có khả năng cao hơn trong tham gia và tương tác truyền thông với nhiều nhóm đối tượng, ở nhiều mức độ, cấp độ, nhiều hình thức biểu hiện khác nhau. Công chúng số là người tiếp nhận tác phẩm báo chí số, đồng thời có thể chính là nguồn phát - người tạo nội dung báo chí số.
Nguồn phát của báo chí số và công chúng số có thể là cá nhân, nhóm nhỏ, đại chúng, hoặc máy/robot. Nguồn phát bao gồm nhà báo, máy/robot hoặc cả hai. Các nhà báo giữ vai trò nguồn phát là những người có kiến thức, kỹ năng báo chí số, là chủ thể chính trong sáng tạo nội dung số, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí, truyền thông số. Họ đảm nhiệm trách nhiệm chính về nội dung, hình thức các tác phẩm/sản phẩm báo chí số.
Việc “đổi vai” giữa hai nhóm nguồn phát và đối tượng tiếp nhận tác phẩm, sản phẩm báo chí dẫn tới sự đan chéo trong các chủ thể báo chí số, bao gồm cả nhà báo - robot - công chúng số.
Nội dung số - nền tảng số - công cụ số: Nội dung số là nội dung chéo dựa trên các yếu tố đa phương tiện, các chương trình tương tác, sử dụng các công cụ số (bao gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng là thành quả của cách mạng công nghệ), được tạo lập, phát hành trên các nền tảng số, ứng dụng và phát triển trong hệ sinh thái số.
Sự phối hợp giữa các thành tố theo các cách khác nhau hình thành các loại báo chí số khác nhau. Đến nay, có 5 loại báo chí số cơ bản sau:
Báo chí tự động (automation journalism) hay còn gọi là báo chí robot (robot journalism) là thể loại báo chí số có chủ thể là robot và các phần mềm AI thông qua việc “tự động hóa” một số quy trình mà trước đây các nhà báo, phóng viên hay nhân viên truyền thông phải thực hiện một cách thủ công. Báo chí tự động ra đời năm 2016 với phần mềm viết tin tự động Heliograf của The Washington Post.
Báo chí dữ liệu (data journalism) là thể loại báo chí số dựa trên quá trình phân tích, xử lý, lưu trữ thành dữ liệu số.
Báo chí đa phương tiện (multimedia journalism) là thể loại báo chí số, trong đó mô phỏng và sử dụng đồng thời nhiều dạng phương tiện chuyển hóa thông tin như: Văn bản, hình ảnh, âm thanh, video, đồ họa, hoạt hình và bất kỳ phương tiện nào khác…
Báo chí đa nền tảng (multi-plasform) là thể loại báo chí số trong đó nội dung báo chí được thiết kế phù hợp để phát hành ở các nền tảng số khác nhau, chẳng hạn như: Tin tức của VTV có thể phát sóng trên các kênh VTV1, trên VTVGo, VTVNews và các nền tảng mạng xã hội khác nhau.
Báo chí đa loại hình (integrated types of journalism) là thể loại báo chí mà các tác phẩm, sản phẩm báo chí được xuất bản trên các nền tảng số, được tổ chức theo cách tích hợp các loại hình báo chí, phổ biến nhất là chương trình phát thanh, truyền hình xuất bản trên các giao diện báo điện tử hay podcast.
Một số vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển báo chí số ở Việt Nam hiện nay
Về mô hình báo chí số và mô hình tòa soạn số
Để chuyển đổi từ mô hình tòa soạn truyền thống sang mô hình tòa soạn số, mỗi cơ quan báo chí cần xác định được mô hình tòa soạn số là đích của sự chuyển đổi số. Mô hình này phải đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số - Công nghệ số - Công chúng số - Kinh tế số - Hệ sinh thái số. Tương ứng với sự hội tụ này là mô hình hội tụ bốn khu vực của tòa soạn số, bao gồm: 1) Khu vực sản phẩm số (hoạch định chiến lược nội dung số); 2) Khu vực hoạt động nghiệp vụ số (bao gồm: Xác định các vị trí nghiệp vụ chính, nhân lực và vật lực bên trong tòa soạn đảm trách tổ chức sản xuất, phân phối sản phẩm báo chí số và dịch vụ giá trị gia tăng, các đối tác chính của cơ quan báo chí); 3) Khu vực công chúng số (phân khúc công chúng, khách hàng số, quan hệ khách hàng, tiếp thị, thực hiện chiến lược phát triển công chúng/khách hàng số); 4) Khu vực kinh tế số - quản trị, kinh doanh sản phẩm báo chí số và các dịch vụ giá trị gia tăng.
Các cơ quan báo chí được quy hoạch phát triển là cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (theo Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03-04-2019 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025) là những cơ quan có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số báo chí, bao gồm: Báo Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, báo Quân đội nhân dân, báo Công an nhân dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã trao đổi, hướng dẫn, ban hành văn bản, tổ chức làm việc với 6 cơ quan báo chí này đề nghị khẩn trương xây dựng đề án cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng thời hạn quy định. Các cơ quan này có mô hình tổ chức, cơ chế tài chính đặc thù khác nhau nên có cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng mô hình cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Ngày 17-9-2021, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Công văn số 3584/BTTTT-CBC; đồng thời, đưa ra các nội dung gợi mở, hướng dẫn đối với 6 cơ quan trên trong xây dựng đề án nhằm định hướng để các cơ quan bám sát mục tiêu, xác định rõ nội hàm chủ lực, thế mạnh đặc thù riêng, tránh chồng chéo, gây lãng phí, kém hiệu quả. Tháng 6-2023, 6 cơ quan trên đã xây dựng đề án đang lấy ý kiến các cơ quan liên quan để trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Về cơ sở pháp lý báo chí số
Ngày 06-4-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là văn bản pháp lý quan trọng đối với việc thúc đẩy thực tiễn chuyển đổi số báo chí ở nước ta - quá trình chuyển đổi từ báo chí đơn loại hình sang nền báo chí số lấy báo mạng điện tử làm trung tâm, ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ hoạt động của tòa soạn số. Chuyển đổi số báo chí thực chất là chuyển đổi từ nền báo chí truyền thống với 4 loại hình báo chí căn bản (được đề cập một cách có hệ thống trong các điều khoản tại Luật Báo chí) sang một nền báo chí gắn liền với các loại hình truyền thông mới, trên nền tảng số. Trọng tâm của chuyển đổi số báo chí là đưa sản xuất nội dung và phân phối nội dung lên môi trường số, đổi mới cách làm nội dung, đổi mới mô hình quản lý, tác nghiệp, của cơ quan báo chí, tạo ra cơ hội, các giá trị gia tăng, đa dạng hóa nguồn thu để không chỉ dựa vào quảng cáo, làm chủ nền tảng phân phối nội dung trên không gian mạng. Nói cách khác, mô hình báo chí số đòi hỏi hành lang pháp lý về báo chí, mà cốt lõi là Luật Báo chí năm 2016 phải có những thay đổi lớn có tính hệ thống, chứ không đơn thuần chỉ là bổ sung một vài điều khoản cụ thể gắn với công nghệ, hay gắn với truyền thông xã hội, mạng xã hội... Hiện nay, Luật Báo chí năm 2016 chưa bao quát hết các mô hình, vấn đề của báo chí số. Việc tổ chức và hoạt động theo mô hình tòa soạn số, nhà báo số, nền tảng số, công cụ số (bao gồm các công cụ như AI, blockchain, xR…), nhiều khái niệm công cụ của báo chí số, hội tụ các thành tố của báo chí số, các nền tảng số mới chưa được đề cập tới trong Luật. Ngoài 4 loại hình báo chí quy định trong Luật Báo chí năm 2016, loại hình báo chí số với các thể loại cơ bản như báo chí tự động, báo chí dữ liệu, và nhiều loại hình hoạt động thông tin có tính chất như báo chí (như: Mạng xã hội, trang thông tin điện tử (web), ứng dụng (app) trong nước và xuyên biên giới cung cấp thông tin, video, chương trình phát thanh, truyền hình…) chưa được đề cập đến.
Bên cạnh đó, công cụ pháp lý về quản trị nội dung, quản trị tòa soạn số trong bối cảnh hiện nay đang là những thách thức lớn, nhất là vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông và vấn đề sở hữu trí tuệ khi ChatGPT, AI phát triển tạo nguy cơ sản xuất và phát tán tin giả bằng báo chí tự động. Công cụ pháp lý kinh doanh báo chí số, đặc biệt là công cụ pháp lý cho quản trị tài chính đang là khúc mắc lớn cần có giải pháp tháo gỡ.
Việc nhập khẩu các công cụ số (ví dụ như mua bản quyền AI), hay chính sách tài chính để giải ngân lợi nhuận từ sản phẩm số trên các nền tảng xuyên biên giới rất khó khăn do thiếu cơ chế, thiếu công cụ số và công cụ pháp lý phù hợp.
Nhân lực và vật lực cho báo chí số
Hầu hết các cơ quan báo chí đều nỗ lực chuyển đổi số. Lãnh đạo các cơ quan báo chí cả Trung ương và địa phương đều nhận thức được tính cấp thiết của việc chuyển đổi số, phát triển các dòng sản phẩm báo chí số, xây dựng và quản trị tòa soạn số. Tuy nhiên, chuyển đổi số báo chí vẫn còn chậm về tiến độ, chưa đi vào thực chất, mà một trong số những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là hạn chế nhân lực và vật lực. Một số lãnh đạo cơ quan báo chí còn mơ hồ về “đích đến” của chuyển đổi số là nền báo chí số, chưa tường minh về mô hình tòa soạn báo chí số, dẫn tới hầu hết các cơ quan báo chí chưa xây dựng được mô hình tòa soạn báo chí số đáp ứng được sự hội tụ: Nội dung số - Công nghệ số - Công chúng số - Kinh tế số - Hệ sinh thái số.
Một khảo sát của tác giả trên 100 học viên chuyên ngành Quản lý báo chí truyền thông tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền và 10 lãnh đạo cơ quan báo chí đại diện cho 10 cụm Hội Nhà báo trong cả nước vào tháng 3/2023 cho thấy: cho thấy chỉ có 3/10 trường hợp hiểu và mô tả được một số lớp chức năng của tòa soạn báo chí số. Trong thực tế, một số lãnh đạo các cơ quan báo chí chưa chú trọng phát triển khu vực công chúng số. Kinh tế số chính là điểm nghẽn lớn nhất, cả về nhận thức, mô hình và cơ sở pháp lý để thực hiện.
Kết quả khảo sát của tác giả bằng phiếu hỏi với 100 học viên cao học Quản lý báo chí truyền thông năm 2022 tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho kết quả: 72/100 ý kiến đánh giá ở mức trung bình và dưới trung bình về cơ sở pháp lý cho sự phát triển kinh tế số ở các cơ quan báo chí. Khảo sát này cũng cho những dữ liệu về nhu cầu được tập huấn về báo chí số, ứng dụng công nghệ trong sáng tạo nội dung, quản trị tòa soạn số là rất cao (65% ở cơ quan báo chí Trung ương, 82% ở cơ quan báo chí địa phương). Các ý kiến phỏng vấn nhóm các học viên công tác ở các cơ quan báo chí địa phương nhìn chung đều cho rằng: “Chúng tôi cần được chỉ dẫn cụ thể là cần mua sắm, lắp đặt hạ tầng cơ sở kỹ thuật gì, làm báo chí dữ liệu là làm những việc gì, phân phối trên các nền tảng là những nền tảng nào và sự khác biệt giữa các nền tảng, ứng dụng AI và công nghệ cụ thể ra sao. Chúng tôi chưa có nhân lực lãnh đạo và người tổ chức thực hiện được công nghệ số chất lượng và đồng bộ”.
Chuyển đổi từ mô hình truyền thông sang mô hình báo chí sáng tạo và truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng đòi hỏi những bộ phận mới, các vị trí công việc mới; những yêu cầu mới, nguyên tắc mới cho những vị trí việc làm cũ. Điều này dẫn tới sự thay đổi mạnh trong nhu cầu nhân lực báo chí truyền thông cho chuyển đổi số3. Hiện nay, chỉ một số cơ quan báo chí Trung ương và số ít đài phát thanh và truyền hình ở các thành phố lớn như Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội bước đầu đáp ứng yêu cầu về nhân lực và vật lực.
Một số kiến nghị
Nghiên cứu của Nguyễn Đồng Anh khảo sát trên công chúng thế hệ Z ở Việt Nam vào tháng 9-2022 cho thấy: Công chúng thế hệ Z cập nhật tin tức hằng ngày nhiều nhất trên thiết bị di động, bao gồm trình duyệt web trên thiết bị di động (36,2%) và ứng dụng di động (36%), tiếp đó là các nền tảng mạng xã hội (45,6%). Cập nhật tin tức hằng tuần qua trình duyệt web trên máy tính được người trả lời lựa chọn ở mức độ cao nhất (17,1%), trong khi tin tức qua radio ít được lựa chọn hơn so với báo, tạp chí in. Tỷ lệ công chúng thế hệ Z hiếm khi hoặc không nghe tin tức radio ở mức rất cao (82,6%), tiếp đó là báo, tạp chí in (80,5%)4. Điều này cho thấy tính cấp thiết phải chuyển đối số báo chí, mà trước hết là sửa đổi Luật Báo chí năm 2016, tạo hành lang pháp lý cho phát triển báo chí số.
Nên đổi tên “Luật Báo chí” thành “Luật Báo chí truyền thông”, mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh, bao gồm 4 nhóm đối tượng chính: Báo chí; các phương tiện truyền thông đại chúng khác trong xã hội thông tin ngoài báo chí; truyền thông liên nhân cách trong hệ sinh thái số; truyền thông xã hội.
Theo hướng này, cần bổ sung các thuật ngữ, đặc biệt là các thuật ngữ của báo chí số, ví dụ: Sản phẩm báo chí số, sản phẩm truyền thông xã hội, sản phẩm, dịch vụ truyền thông liên nhân cách, sản phẩm truyền thông đại chúng, sản phẩm truyền thông xã hội, nền tảng báo chí truyền thông, báo chí đa loại hình, báo chí đa nền tảng, báo chí đa phương tiện, báo chí dữ liệu, báo chí tự động. Cần bổ sung khái niệm xã hội thông tin, an toàn thông tin, an ninh truyền thông, hệ thống khái niệm về các lĩnh vực truyền thông xã hội, các nền tảng báo chí truyền thông số. Đặc biệt, cần thảo luận và thống nhất thuật ngữ “nhà báo” và các chủ thể truyền thông số khác trên cơ sở phân tích và xác định rõ các vị trí công việc của các chủ thể sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất báo chí số, từ đó có quy định cụ thể với nhà báo, nhà sáng tạo nội dung số, cũng như các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của công chúng số - trong mối tương tác giữa công chúng và báo chí.
Bên cạnh đó, cần bổ sung các quy định về nền tảng số, vấn đề an toàn thông tin, an ninh truyền thông, quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, cơ chế mua và sử dụng các phần mềm công nghệ số, trí tuệ nhân tạo ở các cơ quan báo chí truyền thông, quy định về quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể trong sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, quản trị tòa soạn, quản lý báo chí truyền thông và các bên liên quan trong hệ sinh thái số. Có như vậy mới có cơ sở pháp lý để tăng cường nội dung báo chí và sự tham gia của lực lượng báo chí với vai trò là lực lượng chủ công trên các nền tảng không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.
Cần bổ sung quy định cụ thể về quản lý các nền tảng báo chí số, thống nhất với quy định về quản lý nội dung trên các nền tảng mạng xã hội, podcast, OTT; liên kết trong hoạt động báo chí và trách nhiệm của cơ quan chủ quản; quy định về xuất, nhập khẩu các sản phẩm báo chí nói chung và báo chí truyền thông số nói riêng, kinh tế báo chí, chính sách thuế ưu đãi đối với các cơ quan báo chí. Hiện nay các cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp, thực hiện việc thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị nhưng vẫn phải chịu mức thuế thu nhập doanh nghiệp tương đối cao (thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hoạt động báo in là 10%, đối với hoạt động báo nói, báo hình, báo điện tử là 20%).
Theo khoản 1, Điều 55 “Hoạt động hợp tác của cơ quan báo chí Việt Nam với nước ngoài” của Luật Báo chí năm 2016, cơ quan báo chí có quyền phát hành, truyền dẫn phát sóng hoặc ủy thác cho tổ chức, cá nhân in lại, truyền dẫn phát sóng các sản phẩm báo chí Việt Nam ở nước ngoài5. Tuy nhiên, các nhà đài còn lúng túng trong việc thực hiện quy định này, bởi chưa rõ phạm vi quyền tự có và quyền ủy thác, quy trình, thủ tục về vấn đề này và cũng không có quy định của Chính phủ hay các bộ, ngành hướng dẫn thi hành quy định này. Đồng thời, Điều 55 Luật Báo chí năm 2016 cũng không quy định về xuất nhập khẩu sản phẩm báo chí với các loại hình báo chí và các thể loại báo chí số.
Bên cạnh đó, cần sớm nghiên cứu, sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 nhằm tăng cường vai trò, tầm ảnh hưởng của báo chí, nội dung báo chí và nhà báo, cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam - là lực lượng chủ công trong xã hội thông tin, là dòng thông tin mạnh nhất đáp ứng quyền tiếp cận thông tin của công chúng, dẫn dắt và điều hướng dư luận xã hội với các chức năng: Tổ chức toàn bộ các quá trình thông tin, giao tiếp xã hội thông qua việc thông tin sự kiện, vấn đề thời sự trong xã hội; quản lý, giám sát và phản biện xã hội, giáo dục chính trị tư tưởng, khai sáng, khai trí, phát triển kinh tế số.
Thay vì chú trọng vào tam giác “nhà báo - tác phẩm/sản phẩm/loại hình - quản lý báo chí truyền thông”, tức là chỉ chú trọng vào chủ thể sản xuất nội dung số, cần đề cập tới quyền và trách nhiệm của tất cả các chủ thể của báo chí số và truyền thông đa nền tảng, chủ thể trong và ngoài nước, bổ sung và nhấn mạnh quyền và trách nhiệm của công chúng số. Định hướng phát triển các nền tảng số như: Website, ứng dụng di động để thuận lợi hơn cho phát triển và quản lý báo chí số; có quy định cụ thể cho “chiến tranh thông tin” thông qua phương tiện truyền thông liên cá nhân và truyền thông xã hội, trong đó tạo điều kiện pháp lý để tăng cường chất lượng và phạm vi phát hành nội dung báo chí trên các nền tảng xuyên biên giới, các mạng xã hội.
Sửa đổi Luật Báo chí theo hướng này sẽ góp phần tháo gỡ những vấn đề đặt ra về cơ sở pháp lý nhằm bảo đảm quản lý báo chí truyền thông trong chuyển đổi số báo chí, với xu hướng ứng dụng mạnh mẽ AI, blockchain, v.v., xây dựng hệ thống dữ liệu số báo chí, hệ sinh thái số cũng như các vấn đề về phát triển và quản lý nền kinh tế số nói chung, kinh tế báo chí truyền thông số quốc gia và từng cơ quan báo chí.
Ngoài ra, cần trang bị cả nhân lực và vật lực để xây dựng tòa soạn số với 7 lớp tương ứng với 7 khối chức năng bao gồm: 1) Lớp chức năng quản lý, chỉ đạo; 2) Lớp hạ tầng kỹ thuật; 3) Lớp các dịch vụ dùng chung; 4) Lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu; 5) Lớp dịch vụ cổng thông tin; 6) Lớp kênh phân phối; 7) Lớp người dùng/công chúng. Xây dựng chiến lược và giải pháp cụ thể về chủ thể báo chí số với năng lực sử dụng và điều khiển công nghệ số trong mọi tiến trình, quy trình sáng tạo nội dung, quản trị tòa soạn./.
Chú thích:
1 Đỗ Thị Thu Hằng, Phát triển nghiệp vụ báo chí số ở cơ quan báo chí hiện nay, https://nguoilambao.vn, ngày 12-4-2023
2 PGS, TS. Bùi Chí Trung, TS. Phan Văn Kiền, Nguyễn Bá (đồng chủ biên), Chuyển đổi số báo chí Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.109.
3 Xem: Đỗ Thị Thu Hằng, Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực báo chí Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số, Tạp chí Thông tin Lý luận chính trị, Chuyên san Những vấn đề lý luận - Phục vụ lãnh đạo, số 6-2021, tr.21-28.
4 Xem: Nguyễn Đồng Anh, Tương tác của công chúng thế hệ Z với tin tức trên ứng dụng di động tại Việt Nam, Luận án tiến sĩ Báo chí học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, 2023, tr.105.
5 Xem: Quốc hội Việt Nam, Luật Báo chí, Luật số 103/2016/QH13, ngày 5-4-2016, Điều 55, khoản 1.
PGS, TS Đỗ Thị Thu Hằng
Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
Tạp chí Người Làm Báo
Đang Online: 21
Tổng số truy cập: 506.696