Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” đã có nhiều phân tích, chỉ rõ những phẩm chất cao quý của một người cách mạng.
Tác giả nhấn mạnh: Đảng ta luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh cam go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, nhằm mục đích xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nghiên cứu nhiều bài viết trong cuốn “cẩm nang” này của Tổng Bí thư, tôi càng nhận rõ hơn những đúc rút từ thực tiễn phong phú, sinh động của người đứng đầu Đảng ta. Những chỉ đạo của đồng chí luôn thể hiện sự sát sao, quyết liệt, toàn diện và đầy sức thuyết phục, góp phần không nhỏ trong việc làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tác giả khẳng định: Nếu chỉ phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thôi thì chưa đủ, mà nguy hại hơn là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đây mới là cái gốc của tham nhũng; không suy thoái, hư hỏng thì làm gì dẫn đến tham nhũng?
Thực tiễn cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta những năm gần đây chỉ ra một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cương vị lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, bị cám dỗ bởi lợi ích vật chất, quyền lực, sa vào chủ nghĩa cá nhân, thoái hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Bộ phận cán bộ, đảng viên này thiếu ý thức trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, không làm tròn bổn phận, nhiệm vụ được giao, không tuân thủ các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, phong cách quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân... làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, giảm sút sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng.
Trong phòng chống suy thoái về đạo đức, lối sống, trước tiên mỗi cán bộ, đảng viên cần “tự soi, tự sửa”, nêu gương thiết thực. Đảng ta cũng yêu cầu trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có việc tiếp tục chú trọng tập trung làm tốt ba vấn đề: Học tập, làm theo Bác và nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Trong thực tế, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần phải gắn với công việc, sự rèn luyện, tu dưỡng hằng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên, để tạo hiệu quả thiết thực. Cần phát huy vai trò chủ động, tự giác của bản thân cán bộ, đảng viên trong việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống.
Các địa phương, đơn vị nên triển khai theo chiều sâu và lồng ghép các nội dung của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, trong các lĩnh vực xã hội khác nhau, và nên duy trì thường xuyên trong sinh hoạt đảng. Học tập đi đôi với làm theo, cán bộ, đảng viên cần nêu gương bằng những việc làm cụ thể.
Coi trọng việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng; phát huy dân chủ, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên với tinh thần thẳng thắn, không “dĩ hòa vi quý”, không nể nang, né tránh, ngại va chạm; đồng thời cũng không lợi dụng tự phê bình và phê bình để gây mất đoàn kết nội bộ, chú trọng tính giáo dục và răn đe.
Làm sao để ngày càng có nhiều tấm gương cán bộ, với chức vụ cao, là điển hình trong học tập và làm theo Bác, thật sự có sức lan tỏa trong xã hội để mọi người cùng noi theo. Làm được như vậy, sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh.
Nguyễn Xuân Thê
Báo Nhân Dân
Đang Online: 6
Tổng số truy cập: 506.986