Tối 17/7, trong khuôn khổ chương trình “Thắp sáng ngọn lửa tri ân - năm 2024”, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An tổ chức Lễ Cầu siêu cho 512 Anh hùng, liệt sĩ nhà báo cách mạng tại chùa Da (Âu Lạc cổ tự), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tham dự buổi lễ.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng tuổi thanh xuân, kiên cường chiến đấu, anh dũng hy sinh hoặc mang thương tật suốt đời.
Máu đào của các anh đã tô thắm lá cờ cách mạng vẻ vang, để đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do. Trong hàng triệu, hàng vạn những người con anh dũng đó, có các vị tiền bối, các nhà báo, phóng viên chiến trường với tinh thần quả cảm “Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá, bất tử”.
Lễ Cầu siêu anh linh 512 liệt sĩ nhà báo.
Dẫn lời chia sẻ của nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, người đã bỏ nhiều công sức sưu tầm các chứng tích, tài liệu về 512 nhà báo liệt sĩ, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục khẳng định những cống hiến hết sức to lớn, ý nghĩa của các nhà báo cách mạng trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc.
Nhà báo có vai trò đầu nguồn thông tin, nhưng nhà báo trong chiến tranh thì càng khốc liệt, sự sống và cái chết hết sức mong manh. Những hình ảnh, thước phim trong mưa bom bão đạn họ phải đổi bằng tính mạng của mình. Họ không những cầm máy tác nghiệp mà còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù.
Ẩn sâu trong mỗi tác phẩm báo chí là sự dấn thân, không quản hiểm nguy; là sự lăn lộn, hòa mình vào mưa bom bão đạn để bảo vệ mạch máu thông tin, phục vụ cho công tác tuyên truyền, chiến đấu; phụng sự Tổ quốc và nhân dân.
Càng trong khó khăn thử thách, những người làm báo cách mạng càng thể hiện được bản lĩnh và trí tuệ. Những nhà báo chiến sĩ của chúng ta, họ đã sống và chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lễ Cầu siêu là hoạt động tri ân các nhà báo cách mạng đã có những cống hiến to lớn, anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh: "Hôm nay chúng ta có mặt tại đây, thắp những nén tâm nhang dâng lên anh linh các nhà báo chiến sĩ, những đồng nghiệp, bậc tiền bối của chúng ta, những con người đã cống hiến tuổi thanh xuân để những dòng tin, bức ảnh, thước phim về sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập, hòa bình, tự do của Tổ quốc được lan tỏa khắp trong nước và thế giới.
Những đóng góp to lớn đó là tấm gương sáng, là sự nhắc nhở đối với mỗi nhà báo chúng ta hôm nay phải nỗ lực hơn nữa, quyết tâm vượt qua khó khăn, không ngừng sáng tạo đổi mới, chuyên nghiệp và bứt phá, đóng góp tích cực cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam”.
Chùa Da (Âu Lạc cổ tự) thành phố Vinh, ngôi chùa duy nhất trong cả nước thờ tự 512 liệt sĩ là phóng viên, nhà báo của các cơ quan báo chí đã anh dũng hy sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương của Hội Nhà báo Việt Nam cho Nhà báo Trần Văn Hiền, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An.
Tại dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã trao tặng 10 suất quà cho các học sinh nghèo hiếu học của xã Hưng Lộc (thành phố Vinh), mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng.
Nhà báo Trần Văn Hiền (sinh năm 1948), quê ở xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nghệ An, là người đã dành quãng thời gian suốt hơn 15 năm chắp nối tư liệu, thông tin để tìm được tên tuổi các đồng nghiệp nhà báo liệt sĩ và đưa về thờ tự tại ngôi chùa này.
THÀNH CHÂU - TRUNG HIẾU
Đang Online: 18
Tổng số truy cập: 506.704