Ngày 23 – 8, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3822/UBND-KT về chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại văn bản số 3234/UBND-KT ngày 22/7/2024 về việc chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 trên địa bàn tỉnh.
Mưa bão gây sạt lở tại nhiều tuyến đường trong tỉnh.
UBND huyện, thành phố cần khẩn trương khắc phục hậu quả do các đợt mưa lũ, thiên tai xảy ra trên địa bàn trong thời gian qua; thực hiện kịp thời chế độ chính sách, các hoạt động hỗ trợ, động viên, giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với gia đình nạn nhân bị thiệt mạng do thiên tai, đảm bảo sớm ổn định cuộc sống; chủ động huy động ưu tiên và linh hoạt sử dụng các nguồn lực, kinh phí để giải quyết ngay các yêu cầu cấp bách liên quan đến phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai bảo đảm chặt chẽ đúng đối tượng, không để thất thoát, tiêu cực.
Đồng thời, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn; không để xảy ra thiệt hại đáng tiếc về người do bất cẩn, chủ quan.
Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn. Phối hợp với Ban quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức vận hành và triển khai phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công; bố trí lực lượng thường trực để vận hành điều tiết và sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các địa phương cần tổ chức rà soát, xác định các khu vực có nguy hiểm, nhất là các khu vực sườn dốc có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu ven sông, suối để chủ động tổ chức di dời người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đối với những nơi chưa có điều kiện để di dời ngay phải có phương án chủ động sơ tán khi có tình huống thiên tai để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Cùng với đó, chủ động bố trí ngân sách địa phương (bao gồm cả dự phòng ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác) để triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định với phương châm tuyệt đối không để người dân nào thiếu chỗ ở, thiếu đói hoặc các vật dụng thiết yếu khác; không để xảy ra bệnh dịch, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau mưa lũ, ngập lụt.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo và chủ động đôn đốc các cơ quan, đơn vị liên quan; UBND huyện, thành phố kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền. Chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn hệ thống đê điều và công trình thủy lợi, nhất là các tuyến đê trọng điểm xung yếu, hồ đập thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, công trình đê kè đang thi công dở dang; bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản người đân và bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Sở Công Thương phối hợp phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp có công trình thủy điện trên địa bàn triển khai công tác bảo đảm an toàn công trình thủy điện, vận hành xả lũ theo đúng quy trình đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để xảy ra lũ nhân tạo, lũ quét do ảnh hưởng của hồ đập.
Tin, ảnh: Lê Duy
Đang Online: 17
Tổng số truy cập: 506.698