(NB&CL) Hội thảo với chủ đề “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của người làm báo trong sử dụng mạng xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng tổ chức tuần qua đặt ra nhiều câu chuyện nóng, trong đó việc phòng ngừa và chấn chỉnh những sai phạm của người làm báo trên mạng xã hội đã là việc cần kíp cần có sự vào cuộc đồng bộ giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo cùng các cơ quan báo chí.
Câu chuyện mà hội thảo đặt ra quả thực là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng luôn là chủ đề quan trọng mà các hội viên, nhà báo quan tâm. Là đơn vị đăng cai tổ chức Hội thảo, nhà báo Trần Hoài Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng đặt vấn đề rằng, trong xu thế phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin, Internet kết nối vạn vật, trí tuệ nhân tạo..., nhiều kênh thông tin cá nhân thông qua mạng xã hội trong nước và ngoài nước xuất hiện làm đa dạng thông tin, nhưng cũng gây khó khăn trong việc xác định tính đúng đắn, xác thực của thông tin...
Bởi vậy, báo chí chính thống có vai trò dẫn dắt, là chỗ dựa về độ chuẩn xác, trung thực, định hướng dư luận xã hội. Đồng thời, báo chí tham gia đấu tranh hiệu quả, đúng pháp luật với các hiện tượng tham nhũng, suy thoái về đạo đức, lối sống; lai căng văn hoá của một bộ phận cán bộ, đảng viên, thậm chí ngay cả với những người làm báo. Thực tế đó đặt ra cho những người làm báo ngày càng nhiều trách nhiệm hơn, không chỉ là câu chuyện đương đầu trong đấu tranh phản biện mà còn phải là bản lĩnh “vượt lên chính mình”, nâng cao “sức đề kháng” khi tham gia môi trường mạng xã hội.
Trên thực tế, những năm gần đây, đã có những trường hợp nhà báo, hội viên bị cơ quan chức năng xử lý vì các sai phạm khi sử dụng mạng xã hội (MXH), từ việc đưa tin sai sự thật đến vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tại một số cơ quan báo chí, đã có trường hợp phóng viên bị xử lý vì chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của cơ quan báo chí và tổ chức Hội. Những sai phạm này diễn ra không chỉ vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với báo chí.
Hội viên Hội Nhà báo là những người có trách nhiệm trực tiếp trong việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và quy định pháp luật khi tham gia MXH. Trong quá trình sử dụng MXH, từng hội viên cần ý thức rõ rằng họ đại diện không chỉ cho cá nhân mà còn cho cơ quan báo chí và Hội Nhà báo nữa. Do đó, các hành vi chia sẻ thông tin sai lệch, phát ngôn thiếu trách nhiệm đều có thể gây ra những hậu quả lớn…
Toàn cảnh Hội thảo với chủ đề “Nâng cao đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của người làm báo trong sử dụng mạng xã hội” do Hội Nhà báo tỉnh Cao Bằng tổ chức.
“Chính vì vậy, các đại biểu, lãnh đạo Hội Nhà báo các tỉnh trung du miền núi phía Bắc và thành phố Hà Nội đã cùng nhau nhìn nhận, đánh giá về những ưu điểm, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, giải pháp để xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả.
Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến vai trò của Hội Nhà báo trong công tác chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, nhà báo; Trách nhiệm, giải pháp của Hội Nhà báo trong xây dựng đội ngũ người làm báo cách mạng Việt Nam; Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá trong các cơ quan báo chí…; Chủ trì triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hoá báo chí; Đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho hội viên; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về báo chí, Quy định đạo đức nghề nghiệp và Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam; Quan tâm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên; khen thưởng, đề xuất cấp trên khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và hoạt động báo chí…” – nhà báo Hoài Nam thông tin.
Phòng ngừa, chấn chỉnh như thế nào đối với những sai phạm đạo đức trên không gian mạng cho hiệu quả là câu chuyện không dễ. Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm - Uỷ viên Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho rằng: “Để đảm bảo không xảy ra sai phạm, cần có sự quan tâm đặc biệt từ các cơ quan chủ quản, quản lý báo chí cũng như từ mỗi cá nhân hội viên Hội Nhà báo. Vai trò và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông đến Hội Nhà báo, và từng cơ quan báo chí trở nên quan trọng hơn bao giờ hết”.
Ở góc độ “ngôi nhà chung” của giới báo chí trên địa bàn, ông Lâm cho biết thêm, theo chỉ đạo từ Hội Nhà báo Việt Nam, các hội địa phương như Hội Nhà báo Thái Nguyên, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo đức nghề nghiệp và nâng cao ý thức trách nhiệm của các hội viên. Hội đã phối hợp với các cơ quan báo chí đề ra những quy chế cụ thể về việc sử dụng MXH, yêu cầu các hội viên thường xuyên thực hiện quy chế này trên các nền tảng trực tuyến. Hội Nhà báo Thái Nguyên đã có nhiều sáng kiến trong việc giám sát và chấn chỉnh hoạt động của các hội viên. Tăng cường nâng cao đạo đức nghề nghiệp và tuân thủ quy tắc sử dụng MXH, trong đó yêu cầu mỗi hội viên phải cam kết tuân thủ quy định khi tham gia các nền tảng này...
Thực tế tại Thái Nguyên và nhiều địa phương đã xuất hiện tình trạng một số nhà báo viết bài chính thống khá tốt nhưng lại có những phát ngôn sai lệch, thiếu chuẩn mực trên MXH. Sự mâu thuẫn này làm giảm đi sự tin tưởng từ công chúng và làm sai lệch bản chất nghề báo. Vì vậy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin và Truyền thông các cơ quan báo chí và tổ chức như Hội Nhà báo, đã thống nhất trong chủ trương và biện pháp cụ thể để nhắc nhở hội viên, phóng viên về tầm quan trọng của việc duy trì nhất quán trong quan điểm và phát ngôn. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc ban hành quy tắc ứng xử, yêu cầu nhà báo không chỉ tuân thủ đạo đức nghề nghiệp khi viết bài mà còn thực hiện khi sử dụng MXH. Các cơ quan cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm để ngăn ngừa những hậu quả tiêu cực…
“Việc tham gia MXH của người làm báo là điều tất yếu trong thời đại công nghệ số, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức và yêu cầu nghiêm ngặt về đạo đức và trách nhiệm nghề nghiệp. Để ngăn chặn những sai phạm, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức báo chí và bản thân mỗi nhà báo. Việc tuyên truyền, giáo dục, xây dựng quy tắc ứng xử và nâng cao ý thức cá nhân là những giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo người làm báo không chỉ tham gia MXH một cách hiệu quả mà còn giữ vững uy tín và phẩm chất nghề nghiệp của đội ngũ những người làm báo” - Chủ tịch Hội Nhà báo Thái Nguyên đề xuất.
Giữ vững uy tín, phẩm chất đòi hỏi các cấp Hội phải đầu tư rèn giũa, nâng cao chính trị, tư tưởng, đạo đức Người làm báo trong bối cảnh thách thức hiện nay và đó cũng là vấn đề mà nhà báo Ma Văn Chức – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tuyên Quang đặt ra tại Hội thảo. Ông cũng đưa ra bảy kiến nghị thiết thực để giải bài toán khó, trong đó cũng đặc biệt nhấn mạnh về việc các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí như Tuyên giáo, Thông tin truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo kịp thời điều chỉnh hành vi liên quan đến đạo đức nghề báo; tránh sự chồng chéo…
Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Tuyên Quang cũng khẳng định rằng cần tìm hiểu cặn kẽ, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, những kẻ giả danh nhà báo để vụ lợi, song song với đó là biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ những người làm báo…
Có thể nói, vấn đề của hội thảo mang đến nhiều giải pháp hiệu quả, đặc biệt là việc coi trọng sự vào cuộc của các đơn vị phối hợp. Những nỗ lực ngăn chặn, xử lý vi phạm nhằm nâng cao hơn nữa đạo đức nghề nghiệp và văn hóa ứng xử của người làm báo trong sử dụng mạng xã hội, không chỉ nằm trong các ý kiến thảo luận mà tiếp tục là “bài toán mở” cho các hoạt động tại Chi hội, Liên chi hội, các Hội Nhà báo các cấp trước thềm Đại hội các cấp Hội hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XII.
Sông Mây
Đang Online: 1
Tổng số truy cập: 508.097