Nhận lời mời của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) năm 2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, từ ngày 23 đến 24/10.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, từ ngày 23 đến 24/10. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 được tổ chức trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực tiếp tục chuyển biến khó lường, bất ổn gia tăng; kinh tế thế giới tăng trưởng không đồng đều, tiềm ẩn nhiều rủi ro; xung đột địa chính trị và cạnh tranh nước lớn ngày càng phức tạp. Các điểm nóng, căng thẳng tiếp tục kéo dài, thách thức an ninh phi truyền thống tiếp tục tác động mạnh đến nhóm nước đang phát triển.
Nằm trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh BRICS lần thứ 16, Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 có chủ đề “BRICS với Nam Bán cầu: Cùng xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn”. Hội nghị tập trung thảo luận phương hướng tăng cường hợp tác giữa BRICS với các nước đang phát triển, nhằm xây dựng hệ thống quản trị quốc tế cân bằng và công bằng hơn.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính là hoạt động đối ngoại cấp cao có ý nghĩa quan trọng, là bước triển khai chính sách đối ngoại nhất quán của Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Chuyến công tác gửi thông điệp về sự tham gia chủ động, tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, trong đó có BRICS mở rộng, nhằm hợp tác cùng các nước giải quyết thách thức toàn cầu, thúc đẩy phát triển bền vững, bao trùm. Ðây cũng là lời khẳng định mong muốn của Việt Nam về việc nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong quản trị toàn cầu, qua đó góp phần xây dựng một trật tự thế giới đa cực và công bằng, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên toàn thế giới.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng trong năm Liên bang Nga đảm nhiệm cương vị Chủ tịch BRICS cho thấy, Việt Nam xác định quan hệ với Nga có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời mong muốn tiếp tục hợp tác thực chất và hiệu quả với Nga. Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và Ðối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Sự tin cậy chính trị giữa hai nước không ngừng được củng cố, thông qua hoạt động trao đổi đoàn và các cơ chế hợp tác song phương. Năm 2024, hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga và tiến tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2025.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nga được duy trì. Kim ngạch thương mại song phương trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 2,34 tỷ USD, tăng 45,4% so với mức cùng kỳ năm 2023. Hợp tác dầu khí năng lượng tiếp tục là lĩnh vực hợp tác chiến lược truyền thống và là một trong những trụ cột quan trọng trong hợp tác hai nước. Hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục đào tạo, du lịch, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... được chú trọng phát triển.
Hai bên đang tích cực triển khai dự án Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân và tổ chức nhiều hoạt động trao đổi giáo dục, khoa học. Việt Nam và Nga tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương với quan điểm tương đồng về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực.
Trên cơ sở mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga, cùng với triển vọng tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và các nước BRICS mở rộng, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng tại Kazan, Liên bang Nga, mở ra những cánh cửa hợp tác mới giữa Việt Nam với các quốc gia thành viên và đối tác của BRICS.
Chúc chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thành công tốt đẹp, qua đó khẳng định Việt Nam sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương, góp phần nâng cao tiếng nói của các nước đang phát triển trong hệ thống quản trị toàn cầu.
Theo Báo Nhân Dân
Đang Online: 8
Tổng số truy cập: 506.705