Tỉnh Tuyên Quang luôn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có công với cách mạng và gia đình chính sách. Từ đó đã tạo động lực để các gia đình vươn lên. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ngày càng được triển khai sâu rộng đến các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những người đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Xoa dịu nỗi đau, vượt lên hoàn cảnh
Chiến tranh đã lùi xa nhiều thập kỷ nhưng hậu quả để lại vẫn còn rất nặng nề, nhất là đối với những gia đình có liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến hay những thương binh, bệnh binh trở về đời thường khi những vết thương từ thời chiến vẫn còn tái phát. Thế nhưng, phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, nhiều thương binh, bệnh binh trong tỉnh đã nỗ lực không ngừng.
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, động viên người có công với cách mạng trước khi lên đường điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe.
Thương binh Lương Công Đẳng ở thôn Bản Ban, xã Phù Lưu (Hàm Yên) đã để lại nơi chiến trường một bên tay trái. Không có sức khỏe như người bình thường, ông lấy quyết tâm và sự nỗ lực của bản thân để vượt qua khó khăn. Nhiều lần thất bại với những giống cây mới trồng thử nghiệm trên vườn đồi của gia đình, nhưng ông không nản chí. Kết quả, ông đã thành công với mô hình trồng cây ăn quả đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Đẳng cho biết: “Không có việc gì khó chỉ sợ thiếu sự quyết tâm. Năm xưa giữa sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc còn không sợ thì nay những khó khăn đời thường không bao giờ làm thui chột được ý chí dám nghĩ dám làm”.
Trường hợp bà Nguyễn Thị Khuân, vợ liệt sĩ Lê Ngọc Ly ở thôn 9, xã Tân Long (Yên Sơn) thật đáng khâm phục. Suốt những năm tháng đằng đẵng sau khi chồng mất khi tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc, một mình bà gắng gượng nuôi các con trưởng thành. Bà Khuân nói: “Cũng may, tại địa phương tôi đã được chính quyền địa phương quan tâm giúp đỡ về mọi mặt từ nhà ở đến việc hỗ trợ các chính sách, trợ cấp kịp thời. Từ đó đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn để vượt lên trong cuộc sống, hiện các con tôi đều đã trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Bao khó khăn mất mát tôi thấy như được bù đắp phần nào”.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ giúp đỡ các đối tượng người có công với cách mạng và các gia đình chính sách. Tiêu biểu như: Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho đối tượng người có công với cách mạng; tổ chức cho người có công thăm lại chiến trường xưa, đi điều dưỡng nâng cao sức khỏe…
Ông Ma Công Rằm, thương binh 81% ở thôn Bản Đồn, xã Minh Quang (Lâm Bình) chia sẻ, vào tháng 6 năm 2024 vừa qua, ông được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức cho đi điều dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người có công của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ở thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa). Chuyến đi thật ý nghĩa vì vừa giúp ông được phục hồi sức khỏe với chế độ chăm sóc đặc biệt, đồng thời còn tạo cơ hội để ông được gặp và ôn lại chuyện cũ với những người đồng đội từng một thời cùng chung chiến hào.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh tổ chức khám bệnh miễn phí cho người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang.
Chăm lo gia đình chính sách, người có công
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong các cuộc kháng chiến, toàn tỉnh có trên 4.300 liệt sĩ hy sinh, gần 2.900 thương binh, bệnh binh, trên 2.600 người bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động hỗ trợ các đối tượng người có công, gia đình chính sách được triển khai có hiệu quả. Tính từ năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh hỗ trợ làm mới và sửa chữa 71 nhà ở cho người có công với cách mạng với kinh phí 2,5 tỷ đồng. Công tác chi trả trợ cấp kịp thời, đầy đủ cho người có công với cách mạng; việc tổ chức thăm hỏi, tặng quà của Chủ tịch nước, của tỉnh đến người có công và thân nhân đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng...
Nhân dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024), có trên 16.000 suất quà của Chủ tịch nước và của tỉnh đã được các cấp, các ngành trao tặng đến các đối tượng người có công trên địa bàn. Ông Đỗ Viết Cường, thương binh tỷ lệ 21% ở tổ dân phố Tân Bắc, thị trấn Sơn Dương vui mừng cho biết: “Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay tôi được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và huyện đến thăm hỏi, động viên và tặng quà. Đây là sự động viên, khích lệ rất lớn để trong thời gian tới gia đình tôi tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới ở địa phương".
Hàng năm, việc tổ chức kỷ niệm Ngày thương binh - Liệt sĩ đã gắn với hoạt động tôn vinh các gia đình chính sách, đối tượng người có công, khen thưởng những đơn vị, cơ quan thực hiện tốt phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng và chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ đã được quan tâm thường xuyên, tạo điều kiện thuận lợi để thân nhân, gia đình liệt sỹ đến thắp hương tưởng nhớ.
Công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh được thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người có công với cách mạng. Việc huy động các nguồn lực trong hoạt động chăm sóc, hỗ trợ người có công đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội. Từ đó, góp phần xoa dịu nỗi đau chiến tranh, tạo động lực để các gia đình vươn lên, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta.
Bài, ảnh: Huy Hoàng
Đang Online: 6
Tổng số truy cập: 505.662