Chiều 31/12, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo giới thiệu về Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội. Thứ trưởng Nội vụ Trương Hải Long chủ trì họp báo.
Thứ trưởng Trương Hải Long phát biểu tại họp báo.
Tại họp báo, Vụ trưởng Công chức-Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, đối tượng áp dụng của Nghị định là:
(1) Cán bộ, công chức, viên chức có tài năng, yêu cầu đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện như sau:
- Có bản lĩnh chính trị vững vàng; phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; lý lịch rõ ràng; đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ; có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và Nhân dân; năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung;
- Chủ trì tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền các chủ trương, giải pháp mang lại hiệu quả cao, có tính đột phá, bước ngoặt trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; có công trình nghiên cứu hoặc đề xuất được áp dụng mang lại giá trị, hiệu quả cao trong ngành, lĩnh vực chiến lược, trọng tâm của quốc gia hoặc địa phương;
- Đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể khác theo quy định của bộ, ngành, địa phương.
(2) Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng (nhóm đối tượng này là những người có trình độ cao cần thu hút vào làm việc khu vực công để tạo nguồn cán bộ; kế thừa và điều chỉnh một số đối tượng theo quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP không còn phù hợp qua tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện chính sách), bao gồm:
- Sinh viên tốt nghiệp thủ khoa tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước hoặc tốt nghiệp đại học loại giỏi trở lên tại cơ sở giáo dục đại học uy tín trên thế giới, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên;
- Sinh viên tốt nghiệp đại học loại xuất sắc tại cơ sở giáo dục đại học ở trong nước, trong độ tuổi quy định tại Điều 1 Luật Thanh niên và đạt giải cá nhân trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, quốc tế trong thời gian học ở cấp trung học phổ thông, bậc đại học;
- Người có trình độ tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II, dược sĩ chuyên khoa cấp II chuyên ngành y học, dược học tại cơ sở giáo dục trong nước, trong độ tuổi theo quy định của Chính phủ về việc sử dụng, trọng dụng cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ[1].
(3) Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc là người nước ngoài (nhóm đối tượng này là những người có tài năng ở khu vực tư có thể lựa chọn để bố trí ngay vào các vị trí lãnh đạo, quản lý hoặc chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, dự án trọng điểm của quốc gia, của ngành, địa phương), bao gồm:
- Người tốt nghiệp tiến sĩ, sau tiến sĩ từ các cơ sở đào tạo uy tín trên thế giới;
- Người đã và đang tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại các cơ sở nghiên cứu, chương trình, dự án hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ hoặc bộ phận nghiên cứu của các doanh nghiệp uy tín ở nước ngoài, trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ khoa học và công nghệ thực hiện tại Việt Nam;
- Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp đã và đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức hàng đầu Việt Nam và quốc tế, có kinh nghiệm chuyên môn sâu rộng và thành tựu nổi bật trong lĩnh vực hoạt động, phù hợp với yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ hoặc các lĩnh vực trọng điểm tại Việt Nam.
Tại Nghị định, giao người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức quy định tại Điều 39 Luật Cán bộ, công chức (cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh) quyết định việc tuyển chọn, áp dụng chính sách đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý và chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí được giao để áp dụng chính sách phù hợp với mục tiêu đề ra.
Đồng thời, quy định trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương hàng năm phải xem xét, đánh giá việc tiếp tục hoặc thôi áp dụng chính sách đối với người có tài năng bảo đảm tính bao quát, chủ động của bộ, ngành, địa phương trong việc xác định lĩnh vực cần thu hút người có tài năng, tiêu chuẩn, điều kiện lựa chọn, đánh giá đối với người có tài năng.
Theo đó, thôi áp dụng chính sách đối với người có tài năng nếu thuộc một trong các trường hợp sau: (1) Theo nguyện vọng của người có tài năng; (2) Cấp có thẩm quyền đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ hoặc không đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm; (3) Người có tài năng vi phạm pháp luật đến mức bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; (4) Do có sự thay đổi về ngành, lĩnh vực cần ưu tiên sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong từng giai đoạn.
Về các chính sách thu hút người có tài năng vào khu vực công:
(1) Chính sách ưu tiên tuyển dụng công chức, viên chức
- Áp dụng hình thức xét tuyển vào công chức, viên chức đối với sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng. Đồng thời quy định Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương phải phải ưu tiên bố trí biên chế để tuyển dụng thu hút đối tượng này.
Tại Chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài đặt ra mục tiêu năm 2025 thu hút nhân tài vào làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước khoảng 10% so với tổng số tuyển dụng mới; đến năm 2030 định hướng đến năm 2050 duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm.
- Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, trong độ tuổi lao động theo quy định của pháp luật về lao động, nếu có nguyện vọng công tác lâu dài tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thì được xem xét tiếp nhận vào công chức, viên chức.
(2) Chính sách trợ cấp thu hút lần đầu sau tuyển dụng
- Sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi tuyển dụng vào làm công chức, viên chức thì ngoài việc được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự, còn được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương theo hệ số lương hiện hưởng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày tuyển dụng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp có trình độ đại học được hưởng lương 13.700.000đ/tháng (2,34 × 2.340.000 × 250%); trình độ thạc sĩ được hưởng lương 15.620.000đ/tháng (2,67 × 2.340.000 × 250%); trình độ tiến sĩ được hưởng lương 17.550.000đ/tháng 3,0 × 2.340.000 × 250%).
- Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được bổ nhiệm, xếp lương vào ngạch tương ứng với vị trí việc làm được bố trí (bao gồm cả chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương) và được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 300% mức lương hiện hưởng.
Theo đó, mức tiền lương cơ bản thấp nhất (chưa bao gồm phụ cấp công vụ 25% đối với công chức, các loại phụ cấp theo ngành, lĩnh vực nếu có) đối với trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên chính hoặc tương đương được hưởng là 41.184.000đ/tháng (4,40 × 2.340.000 × 400%); trường hợp được bổ nhiệm chuyên viên cao cấp hoặc tương đương được hưởng là 58.032.000đ/tháng (6,20 × 2.340.000 × 400%).
- Trường hợp chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài thực hiện việc ký hợp đồng lao động thì cho phép người đứng đầu bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương quyết định mức thù lao trên cơ sở yêu cầu công việc, năng lực, đóng góp của chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành và nguồn kinh phí để thực hiện chính sách đối với người có tài năng của bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương.
- Ngoài ra căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, huy động nguồn lực theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách đối với người có tài năng, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương được bổ sung chính sách hỗ trợ khác đối với người có tài năng.
(3) Chính sách đào tạo, bồi dưỡng sau tuyển dụng:
Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ như sau (kế thừa Nghị định số 138/2020/NĐ-CP, Nghị định số 140/2017/NĐ-CP):
- Được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác;
- Được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương;
- Được ưu tiên, tạo điều kiện cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý theo chức danh được quy hoạch; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, CDNN viên chức.
(4) Chính sách về điều kiện làm việc, trang thiết bị làm việc:
Người có tài năng được đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc; bố trí, sắp xếp nhân lực, vật lực để thực hiện nhiệm vụ; tiếp cận tài liệu phục vụ chuyên môn,... bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện chính sách.
(5) Chính sách ưu tiên bố trí, sử dụng:
- Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi tuyển dụng vào công chức, viên chức được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện trong bố trí, sử dụng như: (1) Được xem xét, ưu tiên lựa chọn quy hoạch, bổ nhiệm vào chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc chuyên gia đầu ngành của các lĩnh vực công tác ở Trung ương và địa phương; (2) Những cán bộ khoa học có năng lực nghiên cứu được tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành cho các lĩnh vực được giao chủ trì các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên; (3) Được xét nâng ngạch lên chuyên viên chính hoặc tương đương nếu trong thời hạn 05 năm kể từ khi được tuyển dụng được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó có 02 năm trở lên được đánh giá và xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
- Đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam, cho phép cơ quan có thẩm quyền được đặc cách bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo, quản lý hoặc bố trí vào các vị trí việc làm có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương. Trường hợp chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh bổ nhiệm hoặc tiêu chuẩn vị trí việc làm thì được người đứng đầu cơ quan quản lý công chức, viên chức tạo điều kiện để hoàn thiện tiêu chuẩn, điều kiện (tập trung vào năng lực làm việc, tạo ra sản phẩm cụ thể, hiệu quả).
(6) Chính sách hỗ trợ đối với chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc là người nước ngoài
- Được cơ quan có thẩm quyền tạo điều kiện đơn giản hóa giấy tờ và cấp thị thực, giấy cư trú, giấy phép lao động tại Việt Nam; tạo điều kiện, hỗ trợ thành viên gia đình về thủ tục khi tìm kiếm việc làm và tuyển sinh, học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo tại Việt Nam.
- Được cấp thị thực nhiều lần hoặc thẻ tạm trú với thời hạn tương ứng với thời gian ký kết hợp đồng lao động với cơ quan, đơn vị theo quy định tại Nghị định này (đối với cả thành viên gia đình).
Về chính sách trọng dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức có tài năng:
(1) Chính sách tiến cử, công nhận cán bộ, công chức, viên chức có tài năng
Bên cạnh việc thu hút, tuyển dụng mới nhân sự từ bên ngoài hệ thống thì việc trọng dụng những cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực nổi trội là cần thiết để cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ. Đối với những người này, đã có sự tích lũy kiến thức, kinh nghiệm và về cơ bản đáp ứng yêu cầu về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được ngay yêu cầu công việc. Tại Nghị định quy định hình thức tiến cử, công nhận cán bộ, công chức, viên chức có tài năng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/1/2012.
Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức (cấp Bộ, ngành hoặc cấp tỉnh) thành lập Hội đồng tuyển chọn người có tài năng để kiểm tra, đánh giá việc đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của cán bộ, công chức, viên chức có tài năng. Hội đồng tuyển chọn gồm: Tập thể lãnh đạo cơ quan, đại diện cấp ủy, công đoàn cùng cấp, người đứng đầu cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ và thành phần khác do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý quyết định.
(2) Chính sách phụ cấp tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có tài năng
Cán bộ, công chức, viên chức có tài năng được hưởng phụ cấp tăng thêm hằng tháng bằng 150% mức lương hiện hưởng kể từ ngày có quyết định công nhận của cấp có thẩm quyền, tương đồng với mức phụ cấp thu hút sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
(3) Chính sách bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức có tài năng
Cán bộ, công chức, viên chức có tài năng được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng ưu tiên trong bố trí, sử dụng như sau:
- Được ưu tiên lựa chọn khi xem xét bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc bổ nhiệm chức danh chuyên gia cao cấp; thuộc trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định về quy hoạch, độ tuổi, thời gian giữ chức vụ tương đương khi xem xét bổ nhiệm.
- Được cử đi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, trao đổi khoa học ở trong nước hoặc ở nước ngoài có liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ đảm nhận ít nhất 01 lần/năm; được chi trả toàn bộ kinh phí theo quy định trong thời gian đi học tập kinh nghiệm, nghiên cứu, trao đổi khoa học.
- Được chủ động đề xuất tham gia các khóa bồi dưỡng, hội nghị, hội thảo quốc tế để phát huy năng lực, tài năng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Được giao chủ trì và bố trí kinh phí thực hiện các đề tài, công trình nghiên cứu khoa học từ cấp bộ, cấp tỉnh trở lên. Được đề xuất dự toán kinh phí thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ cụ thể; được giao, quyết định việc sử dụng kinh phí; chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp có thẩm quyền việc sử dụng kinh phí được giao.
- Được chi trả toàn bộ chi phí theo quy định khi đi công tác, hội thảo ở trong nước và ở nước ngoài khi có liên quan trực tiếp tới việc chủ trì thực hiện chương trình, đề án, nhiệm vụ khoa học được giao.
(4) Chính sách tôn vinh, khen thưởng
Nhằm ghi nhận, khuyến khích sự cống hiến, giữ chân nhân tài và tạo động lực lan tỏa trong cộng đồng, xây dựng văn hóa cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh trong việc thực hiện chính sách, tại dự thảo đề xuất thực hiện một số chính sách như: (1) Không áp dụng tỷ lệ trong xét tặng danh hiệu thi đua hoặc xét khen thưởng đối với người có tài năng (quy định về đánh giá, xếp loại công chức, viên chức hiện hành đang áp dụng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không quá 20% tổng số công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, tác động đến tiêu chuẩn, điều kiện được xét thi đua, khen thưởng cao hơn); (2) Người có tài năng được cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng đề nghị vinh danh trong các buổi lễ, chương trình tôn vinh của bộ, ngành, địa phương và của cơ quan thông tấn, báo chí có liên quan đến ngành, lĩnh vực công tác; (3) Được hưởng tiền thưởng do có thành tích được ghi nhận từ Quỹ thi đua, khen thưởng, quỹ tiền thưởng hàng năm.
(5) Chính sách về nghỉ dưỡng và chế độ phúc lợi khác
- Được bố trí kỳ nghỉ dưỡng 07 ngày trong nước; đối với Chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp, nhà khoa học đầu ngành được đi cùng gia đình không quá 05 người; đối với cán bộ, công chức, viên chức có tài năng được đi cùng gia đình không quá 04 người.
Đây là một chính sách mới, nổi trội, thể hiện sự quan tâm đến sức khỏe, tinh thần và gia đình – những người quan trọng, gần gũi nhất.
- Được nâng bậc lương trước thời hạn, nâng lương theo thỏa thuận (hợp đồng) nếu có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền công nhận hoặc được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 02 năm liên tiếp kể từ ngày có quyết định tuyển dụng, ký hợp đồng.
- Đối với chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành ngoài thù lao theo hợp đồng lao động ký kết, được đàm phán và hưởng tiền thưởng, lợi ích từ kết quả công việc theo thỏa thuận với cơ quan có thẩm quyền quản lý.
- Người có tài năng được ưu tiên thuê nhà công vụ hoặc vay tiền mua nhà trả góp theo bảo lãnh của cơ quan, tổ chức từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi theo quy định của Chính phủ; được ưu tiên cao nhất trong nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức được mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật. (Luật Nhà ở)
- Người có tài năng có đóng góp quan trọng cho quốc gia được bố trí nhà ở công vụ theo quy định của cấp có thẩm quyền. (Quyết định số 11/2024/QĐ-TTg ngày 24/07/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn diện tích và định mức trang thiết bị nội thất nhà ở công vụ)
- Thành lập Quỹ phát triển nhân tài quốc gia nhằm hỗ trợ và khuyến khích phát triển nhân tài Việt Nam trên các lĩnh vực đời sống xã hội, không vì mục đích lợi nhuận; Quỹ hoạt động theo mô hình quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ quản; việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước cho Quỹ (nếu có) thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. (Quyết định số 899/QĐ-TTg)
Về nguồn kinh phí
Về kinh phí thực hiện chính sách, đề xuất quy định hàng năm, ngân sách nhà nước bố trí kinh phí ngân sách nhà nước bố trí kinh phí bằng 10 % tổng quỹ tiền lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) đối với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và bằng 5% tổng quỹ tiền lương cơ bản (không bao gồm phụ cấp) đối với các địa phương để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
Ngoài ra, các Bộ, ngành, địa phương được huy động nguồn lực theo quy định của pháp luật để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý.
Căn cứ Nghị định của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị định để nhanh chóng đưa các chính sách mới, đột phá, quyết liệt vào thực tiến cuộc sống: (1) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt để cán bộ, công chức, viên chức, các sinh viên, nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý, nhà quản trị doanh nghiệp trong và ngoài nước biết đến chính sách này; (2) Tổ chức thực hiện chính sách đối với người có tài năng theo quy định tại Nghị định này trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; (3) Ban hành theo thẩm quyền cơ chế, chính sách khác để thu hút, trọng dụng người có tài năng; huy động các nguồn lực hợp pháp khác (nếu có) theo quy định của pháp luật để thực hiện các chính sách ưu đãi khác đối với người có tài năng về tiền thưởng, thu nhập; (4) Người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức có trách nhiệm ban hành văn bản hành chính hướng dẫn cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện và trình tự, thủ tục công nhận đối với cán bộ, công chức, viên chức có tài năng của bộ, ngành, địa phương mình.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, cải cách chế độ công vụ, công chức theo hướng năng động, linh hoạt, hiệu quả, thực tài để xây dựng môi trường làm việc công bằng, chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại để thu hút, trọng dụng được người có tài năng gắn bó làm việc lâu dài.
Hiện nay, thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta đang tiếp tục thực hiện tiến hành tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW. Quá trình này được thực hiện đồng bộ với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Một trong những nhiệm vụ giải pháp đặt ra là đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất; tăng cường thu hút, tuyển dụng người có tài năng. Chính quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy sẽ là tiền đề, là điều kiện và cơ hội để các cơ quan, tổ chức, đơn vị đổi mới công tác tuyển dụng, sử dụng, trong đó tập trung thu hút, trọng dụng và sử dụng có hiệu quả, phát huy tối đa tài năng của người có tài năng trong khu vực công, cống hiến cho Tổ quốc và nhân dân.
Theo Báo Nhân Dân
Đang Online: 7
Tổng số truy cập: 507.258