Vượt con dốc dài, quanh co, những cánh rừng keo, bạch đàn bát ngát của xã Tân Thanh dần hiện ra ở phía xa xa. Núi với rừng, cứ thế tiếp diễn, xanh ngắt, tưởng như mênh mông đến vô cùng. Với niềm tin “bảo vệ rừng, rừng sẽ bao bọc, che chở và nuôi sống dân làng”, từ lâu người Dao thôn Lục Liêu đưa việc giữ rừng vào trong hương ước của thôn, bản, quy định rừng như thứ “tài sản chung” để giáo dục con cháu.
Rừng nát thì nhà tan…
Thôn Lục Liêu có 178 hộ, 530 khẩu, 90% là đồng bào Dao. Thỏa thích ngắm rừng Lục Liêu, chẳng ai có thể mường tượng được những cánh rừng như thế lại nằm sát một bản làng người Dao và họ cũng là người giữ rừng.
Cùng cán bộ kiểm lâm và nhân dân Lục Liêu đi tuần rừng, chúng tôi được nghe câu chuyện giữ rừng của cộng đồng người Dao nơi đây. Trưởng thôn, Bí thư Chi bộ Lục Liêu Phùng Xuân Hiếu kể: trước năm 2008, nạn phá rừng ở xã Tân Thanh diễn ra rầm rộ; rừng già của thôn Lục Liêu đứng trước nguy cơ bị lâm tặc triệt tiêu. Kiểm lâm địa phương ngày đêm tuần tra mới ngăn chặn, xử lý được tình trạng phá rừng. Tuy nhiên, vẫn có không ít khối gỗ được vận chuyển trót lọt, mang đi bán khắp nơi. Không chỉ gỗ quý bị khai thác trái phép, mà những loài động vật, thực vật quý hiếm như táu, dổi, lợn rừng, hươu... cũng bị săn bắn, thu hái gần như kiệt quệ.
Trước nguy cơ rừng bị tàn phá, UBND xã Tân Thanh đã thành lập các Tổ bảo vệ rừng, giao khoán rừng để người dân bảo vệ. Thôn Lục Liêu thành lập 2 tổ với 12 thành viên làm nhiệm vụ giữ và bảo vệ rừng.
Ông Đặng Văn Mạnh, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Lục Liêu cho hay, thôn thành lập 2 đội tuần tra bảo vệ rừng, mỗi đội gồm 5 - 6 người, thực hiện tuần tra ít nhất 1 lần/tuần. Nếu ai chặt gỗ, phá rừng làm nương sẽ bị cộng đồng thôn xử lý theo quy định. Ngoài ra, lực lượng của làng cùng với cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản phát nương, đốt nương đúng quy trình kỹ thuật; bố trí người túc trực không để lửa lây lan vào rừng tự nhiên... Nhờ làm tốt công tác bảo vệ rừng nên hơn chục năm nay, thôn chưa phải xử lý trường hợp nào vi phạm quy định về bảo vệ rừng.
“Cả làng đồng thuận bảo vệ rừng, không phá rừng và cũng không để ai xâm hại vào rừng của cộng đồng Lục Liêu. Nhà nào có việc, muốn vào rừng lấy cành củi khô, đều phải báo cáo trưởng thôn và phải được cộng đồng thôn đồng ý. Cũng bởi tâm niệm “rừng nát thì nhà tan, rừng tan thì làng mạt”, nên việc “xẻ thịt, băm nát” rừng xanh là điều không một ai ở Lục Liêu nghĩ tới” ông Mạnh chia sẻ.
Giữ rừng để trả ơn rừng
Trong tiềm thức của người Dao ở Lục Liêu, rừng không đơn thuần là những cây gỗ, thảm thực vật mà là nguồn sống, nơi cung cấp nước, cây thuốc và cả những giá trị tinh thần vô giá. Họ hiểu rằng, nếu rừng mất đi, cuộc sống sẽ bị đe dọa. Vì lẽ đó, ý thức bảo vệ rừng đã thấm nhuần trong từng thế hệ, trở thành một quy tắc bất thành văn, được truyền từ đời này sang đời khác.
Với diện tích tự nhiên trên 200 ha, rừng Lục Liêu trải dài khoảng 4 km, từ núi Ngang đến chân núi Lịch. Dưới tán rừng là thảm thực vật đa dạng ken dày. Rừng Lục Liêu có nhiều cây cổ thụ với các loại như chò chỉ, táu, trà khế, đinh hương… hằng trăm năm tuổi.
Giữ được rừng và rừng đang mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân Lục Liêu. Họ được vào rừng tìm mật ong, trám, hạt dổi, các loại cây thuốc và cành cây khô. Đặc biệt, thực hiện Tiểu dự án 1, dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2023, 2024 người dân Lục Liêu được hưởng 216 triệu đồng từ chính sách giao khoán, bảo vệ rừng của nhà nước; cấp gạo phát triển rừng. Hưởng lợi từ các chính sách trợ cấp phát triển rừng đã giúp cho người dân có thêm thu nhập, nâng cao trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng.
Ý thức bảo vệ rừng ở Lục Liêu không chỉ vì lợi ích mà còn bắt nguồn từ một ý nghĩa nhân sinh, rằng núi có thần núi, sông có thần sông và rừng có thần rừng… Bảo vệ và giữ rừng, thần rừng sẽ che chở cho đồng bào mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, con cháu khỏe mạnh, người trong bản biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, đời sống dân bản ấm no…
Trưởng thôn Lục Liêu Phùng Xuân Hiếu tự hào: “Thôn chưa bao giờ thiếu nước bởi mạch nước ngầm dồi dào, quanh năm mát lạnh, cung cấp nước sạch sinh hoạt, sản xuất cho nhân dân trong thôn và một số thôn lân cận. Có được điều đó cũng nhờ vào rừng, rừng có xanh thì nguồn mạch mới tốt”.
Ông Nguyễn Công Bằng, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Sơn Nam khẳng định: thành tích giữ rừng của cộng đồng người Dao ở Lục Liêu rất đáng ghi nhận, bởi đã giúp lực lượng kiểm lâm và các cơ quan chức năng trong công tác bảo vệ rừng không chỉ ở thôn mà còn trên địa bàn toàn xã. Hương ước giữ rừng đạt hiệu quả vì được tất cả người dân trong thôn đồng thuận. Ý thức bảo vệ rừng của người dân ngày càng nâng cao và chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cùng sự nỗ lực của các cấp, ngành địa phương đã góp phần giữ màu xanh cho rừng.
Thiết nghĩ, nếu người dân mỗi thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều có ý thức bảo vệ rừng như ở thôn Lục Liêu thì những vạt rừng đã từng bị chặt phá, những đồi núi trọc sẽ nhanh thắm xanh trở lại. Và chúng ta sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ việc bảo vệ “lá phổi xanh” của chính mình.
Bài, ảnh: Lý Thu
Đang Online: 2
Tổng số truy cập: 1.213.890